Với chế định này, Nhà nước đã ghi nhận sự nỗ lực cải tạo của người phạm tội nhằm xóa bỏ thành kiến của xã hội đối với những người này, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.
Thủ tục phức tạp, phiền hà
Bộ luật Hình sự năm 1999 dành Chương IX với 5 điều quy định các vấn đề về xóa án tích, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét xóa án tích đối với người phạm tội. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự của các địa phương cho thấy, quá trình xem xét xóa án tích đối với người vừa chấp hành xong án hình sự còn gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người bị kết án được đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn luật định kể từ ngày chấp hành xong bản án hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không phạm tội và được tòa án cấp giấy chứng nhận (GCN). Thực tế, tòa án chỉ cấp GCN xóa án tích cho những người có đơn yêu cầu. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thủ tục xin GCN đã được xóa án tích rất phức tạp... Các thủ tục này gây khó khăn cho những người vừa chấp hành xong án hình sự.
Thực tiễn áp dụng các quy định về xóa án tích cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn khi xem xét xóa án tích đối với trường hợp phạm nhiều tội, trong đó có tội thuộc nhóm đương nhiên được xóa án tích và có tội thuộc nhóm xóa án tích theo quyết định của tòa án do Bộ luật Hình sự chưa quy định vấn đề này.
Trong khi đó, án tích tác động và hạn chế việc thực hiện các quyền của người bị kết án như quyền được hành nghề, công việc, ứng cử… ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án. Thậm chí, án tích ảnh hưởng đến cả đường công danh, sự nghiệp, việc học hành của con cái như trường hợp 2 thí sinh Bùi Kiều Nhi (tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Đức Ngà (tỉnh Nghệ An) đạt 29 điểm, đủ điểm trúng tuyển vẫn suýt trượt đại học. Dù bố của 2 thí sinh này phạm tội khi còn trẻ, chỉ bị án treo, nhưng với lý lịch “bố bị án treo” khiến các trường hợp này vi phạm “tiêu chuẩn chính trị” của ngành. Vì vậy, đối với những người đã chấp hành xong bản án, không nên xem nhẹ việc xóa án tích.
Rút ngắn thời hạn xóa án tích
Bộ luật Hình sự hiện hành yêu cầu người đã chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định thì phải thực hiện thủ tục xin xóa án tích tại tòa án mới được cấp phiếu lý lịch tư pháp có nội dung không có án tích. Trong khi đó, theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), chỉ cần người chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, sẽ được cấp phiếu mà không cần phải qua thủ tục xin xóa án tích tại tòa (ngoại trừ một số tội danh cụ thể). Nội dung này được quy định cụ thể tại các điều 70 - 73 tại Chương X “Xóa án tích”. Đây là quy định mới, được đánh giá rất nhân đạo, tạo điều kiện cho người chấp hành án thuận lợi trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Dự thảo cũng đề xuất nhiều phương án sửa đổi, bổ sung chế định xóa án tích, trong đó có phương án đề xuất sửa đổi về chính sách xóa án tích như không quy định việc tòa án cấp GCN xóa án tích đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Đồng thời, sửa đổi các điều kiện xóa án tích theo hướng thuận lợi hơn cho người bị kết án: Rút ngắn thời hạn, thời điểm tính thời hạn xóa án tích; bổ sung quy định người bị kết án về một tội do lỗi vô ý, người được miễn hình phạt thì được coi là không có án tích…
Về trường hợp bố vướng “án tích” khiến con suýt không trúng tuyển đại học, luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự, có 2 trường hợp xóa án tích là “đương nhiên xóa án tích” và “xóa án tích theo quyết định của tòa án”. Qua đối chiếu với quy định pháp luật, các trường hợp trên đương nhiên được xóa án tích. Cơ quan chức năng địa phương chỉ cần hướng dẫn gia đình đến tòa án xin cấp GCN xóa án tích để bổ sung vào hồ sơ, không phải vì chưa có giấy đó, án tích chưa được xóa. Các địa phương cần thay đổi cách hiểu về quy định xóa án tích để không gây thiệt thòi cho các trường hợp tương tự.
Thí sinh Bùi Kiều Nhi đã được Bộ Công an tạo điều kiện cho nhập học vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân.
|