Tập thơ Mùa dã cổ: Đau đáu thời hoàng kim xa xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sống ở thế giới hiện đại nhưng tác giả lại viết về các hồi ức mơ hồ của thuở xa xưa đan cài trong một cái nhìn tách biệt từ một thực tại khác để lý giải thực tại này.

“Mùa dã cổ” là tập thơ biểu hiện tâm trạng và những chiêm nghiệm về một miền quá khứ hoàng kim đầy tính ước lệ, đối nghịch với thực tại chất chồng các khuôn mẫu lộn xộn vừa được tác giả Hà Thủy Nguyên giới thiệu đến bạn đọc, tối 20/5. 

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Sự cổ điển như đã trở thành bản năng của Hà Thủy Nguyên, từ “Giai điệu trần gian” tới “Thiên mã” hay “Cầm thư quán”, nó đã trở thành tư tưởng của tác giả. Và dường như cái cổ điển ấy lại là tiêu điểm để nhìn cuộc sống hiện nay. Ấy cũng chính là ý nghĩa của tác phẩm này.” 

Kết cấu của tập thơ gồm bốn phần. Phần đầu – Phiêu – gồm sáu bài thơ, được viết trong khoảng thời gian trước khi cộng đồng  Book Hunters được thành lập (2004 - 2013). Nội dung của chúng đều về sự vô đơn và khát vọng tự do, nhưng hầu như những rung động, cảm xúc ấy đều rơi vào bế tắc. Ba phần còn lại – Mỏi, Chu, Say – được hoàn thiện trong hai năm tiếp theo. Chính Thủy Nguyên cũng không rõ, cảm hứng nào đã khiến mình có thể sáng tác say mê và mạnh mẽ đến thế. 
Tập thơ Mùa dã cổ: Đau đáu thời hoàng kim xa xưa - Ảnh 1

 
Lối thơ của Hà Thủy Nguyên không hề có bất cứ quy tắc nào, không thể phân biệt giữa văn xuôi và thơ. Trả lời câu hỏi của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên “những câu ấy có phải là thơ không?”, tác giả đã đưa ra cái nhìn rất riêng của mình về khái niệm thơ: “Nó có thể được viết bằng bất kỳ hình thức nào, được biểu hiện bằng bất kỳ hình thức nào. Thứ hình thành thơ là cảm xúc của người viết, tính nhịp điệu và những ám ảnh bật ra theo một nhịp điệu cảm xúc nào đó. Tôi bị ám ảnh bởi âm nhạc. Vậy nên trong tập thơ này, mỗi bài thơ đều có một giai điệu riêng, một điệu nhạc riêng.”

Hà Thủy Nguyên là một nhà văn giả tưởng, sớm bước vào văn chương từ khi còn đang học cấp 2 bằng một cuốn tiểu thuyết dã sử kết hợp với các yếu tố thần thoại có tên “Điệu nhạc trần gian”(2004). 

Sau đó, trong hai cuốn tiểu thuyết “Cầm thư quán”(2008) và “Thiên mã”(2009), Hà Thủy Nguyên tiếp tục cuộc hành trình đi tìm tự do và bản chất của các thực tại. Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” (2013) được viết theo giọng văn trong những câu truyện cổ Andersen, thể hiện sự chênh vênh của tác giả khi đứng ở giao điểm giữa thực tại hiện hữu và vô hình. Bên cạnh vai trò của một nhà văn, tác giả từng là biên kịch của những bộ phim gây được nhiều chú ý như: "Vòng nguyệt quế" (2008 - VTV1); "Blog nàng dâu" (2009- VTV3); "Nếp nhà" (2010).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần