Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung bình ổn thị trường Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động linh hoạt trong bình ổn thị trường và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán - đó là một nhiệm vụ trọng tâm được ngành Công Thương đặt ra cho tháng 2/2013.

 Thông tin này được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2013 diễn ra chiều 4/2 tại Hà Nội. 

Sản xuất, tiêu thụ đều... cầm chừng

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 1/2013 giảm 3,2% so với tháng 12/2012. Nguyên nhân là do nhiều ngành CN mũi nhọn có chỉ số sản xuất giảm mạnh, như: khai thác than, dầu thô, SX bia, thuốc lá, hàng may sẵn, giấy, phân bón, xi măng, linh kiện điện tử, SX và phân phối điện...
 
Tập trung bình ổn thị trường Tết - Ảnh 1
 
Nhiều mặt hàng điện tử khuyến mại trong dịp Tết nhưng sức mua tăng không đáng kể.   Ảnh: Việt Linh
 

Ngoài ra,  trong tháng 1/2013, các sản phẩm tiêu dùng dù đã cận Tết nhưng sức mua của người dân rất thấp do tiết kiệm chi tiêu khi kinh tế cả nước nói chung còn khó khăn. Mặt khác, các DN SX năm nay cũng chỉ chuẩn bị một lượng nguyên liệu vừa đủ để chuẩn bị cho tháng sau (do trong tháng 2, số ngày nghỉ Tết lên tới 9 ngày).

Vì vậy, các DN CN SX cầm chừng để nghe ngóng thị trường những ngày sát Tết, thậm chí, tại một số địa phương, DN tại một số khu công nghiệp đã cho công nhân nghỉ Tết sớm. Riêng với các DN thuộc Bộ Công Thương, do nhận định được tình hình thực sự khó khăn nên đã điều tiết SX để sản phẩm tiêu thụ đến đâu SX đến đó, nên lượng hàng tồn kho giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, thị trường đã nhộn nhịp hơn nhưng sức mua vẫn chưa cao. Trong đó, thường dịp Tết, thị trường điện máy nhộn nhịp, nhưng dịp Tết năm nay, thị trường này kém sôi động. Không khí tưng bừng khuyến mại của các siêu thị điện máy không làm cho lượng khách mua sắm tăng. Vì vậy, SX chậm, điển hình mặt hàng ti vi tháng 1 chỉ đạt sản lượng 142.100 chiếc, giảm 4,2% so với tháng 12/2012 và giảm 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng vì thế, DN cung cấp linh kiện bị giảm đơn hàng, người lao động giảm thu nhập hoặc buộc phải nghỉ việc...

Tích cực chuẩn bị hàng phục vụ Tết

Theo đại diện Vụ thị trường trong nước, giá cả các mặt hàng tiêu dùng không có nhiều biến động, dù một số mặt hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và chuẩn bị cung ứng đúng vào những ngày sát Tết nên nguồn cung trong giai đoạn này có phần thu hẹp.

Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết bắt đầu nhích lên nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, LPG, phân bón, thép xây dựng, xi măng ổn định hoặc giảm nhẹ.

Công tác chuẩn bị Tết đang được các bộ, ngành, địa phương, DN tích cực triển khai trên cả nước với nhiều hoạt động khuyến mại, hội chợ xuân, đưa hàng về nông thôn… Nguồn cung hàng dồi dào, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế. Đến nay, cả nước đã có 37 địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, các địa phương, các DN lên kế hoạch chuẩn bị với số lượng cao hơn mức tiêu thụ của các tháng bình thường 15 - 20% và cao hơn so với cùng kỳ năm trước 5 - 10%.

Để chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Bộ Công Thương đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa bàn trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc công tác chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại tại 34 tỉnh, TP.

Riêng trong tháng 1/2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý 6.017 vụ vi phạm, thu 23,87 tỷ đồng.Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, ngay trong tháng 1, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của ngành về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong tháng 2/2013, ngành sẽ tập trung khai thác tốt năng lực SX và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng sẽ được triển khai là tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ NK mặt hàng không thiết yếu, tăng cường giám sát buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả...

 
Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tích cực phối hợp với các DN SX điện đáp ứng đủ nhu cầu điện cho SX và tiêu dùng dân cư dịp Tết.