Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung chất lượng thay vì số lượng cho đầu vào ngành sư phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về chính sách miễn học phí cho sinh viên (SV) sư phạm (SP), GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học (ĐH) Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách này không còn ý nghĩa như trước.

Tập trung chất lượng thay vì số lượng cho đầu vào ngành sư phạm - Ảnh 1Xem xét yếu tố khách quan cho thấy hiện làm chưa tốt quy hoạch giáo viên (GV), nên việc đào tạo và sử dụng đang tách biệt. Về chủ quan, khi giáo sinh tốt nghiệp không tìm được việc làm thì sức hấp dẫn vào ngành SP không còn. Từ đó, theo bà Lộc, đầu vào SP cần tập trung chất lượng thay vì chạy theo số lượng như hiện nay.

Trước thực tế này, Nhà nước nên có cơ chế gì để thu hút học sinh (HS) giỏi vào ngành SP, thưa bà?

- Tôi nghĩ, bây giờ HS nào tốt nghiệp THPT loại xuất sắc theo học SP thì được miễn học phí hoặc được thưởng học bổng 50% - 70% hay toàn phần, tùy theo mức độ xuất sắc của các em. Chúng ta cũng tính đến yếu tố vùng miền đang rất thiếu GV để có chính sách khuyến khích cho phù hợp. Bằng cách nào ư? Những em nào xung phong lên vùng khó khăn để dạy học, đặc biệt là những em tốt nghiệp loại xuất sắc sẽ được hưởng mức lương cao gấp nhiều lần so với làm việc ở vùng đồng bằng. Cần phải làm rất cụ thể, thiết thực chứ không thể kêu gọi chung chung nữa. Theo tôi, chúng ta phải đầu tư thích đáng, bởi đây không phải là cho cá nhân giáo sinh hay giảng viên. Việc đầu tư sẽ tạo ra bức tranh tổng thể để người ta thấy được sự trân trọng của Nhà nước, xã hội, người dân đối với nghề giáo.

Nhưng đầu ra cũng là một nhân tố quan trọng để những người học giỏi chọn ngành SP thời điểm này?

- Hiện nay, cả nước có đến 120 trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành SP. Cùng với chính sách về học phí, chúng ta nên phân cấp đào tạo theo hướng có cơ sở đào tạo GV cấp quốc gia, khu vực, quốc tế; nhưng lại có cơ sở đào tạo GV cho khu vực để tránh tình trạng thừa - thiếu GV. Muốn vậy, trước tiên phải thực hiện tốt quy hoạch GV - điều này phụ thuộc vào khoa học dự báo phát triển dân số, để dự tính số HS cho các bậc học. Ví dụ, năm 2015 có bao nhiêu trẻ ra đời, 6 năm sau có bao nhiêu bé vào lớp 1? Và 9 năm sau nữa có bao nhiêu em vào cấp THPT? Chúng ta phải làm thật tốt trên từng vùng, miền để có thể đưa ra được quy mô về trường học.

Tôi muốn nhấn mạnh, việc dự báo trường học, đội ngũ GV phải rất khoa học, dựa trên những luận cứ và căn cứ thực tiễn. Có như thế mới tránh được tình trạng ở một số khu vực nông thôn có trường học phải đóng cửa vì không có HS. Lý do bởi những người trẻ tuổi di cư lên TP mưu sinh kéo theo sinh con và cho bọn nhỏ đi học, trong khi các lớp học quá tải. Đây là vấn đề vĩ mô của Nhà nước trong việc điều phối nguồn lực lao động, phân luồng dân cư ra sao. Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án phát triển nông thôn, nhưng chưa “đánh đúng” vào cái gốc của nó là nhu cầu người dân.

Thưa bà, mức lương GV cũng là yếu tố không kém phần quan trọng để khuyến khích HS giỏi chọn ngành SP. Có chuyên gia giáo dục đề xuất lương GV phải ngang bằng với lương quân đội để GV yên tâm làm nghề?

- Không nên có sự so sánh lương GV với quân đội, công an, bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng. Phải thừa nhận là lương GV hiện nay thấp so với thang bậc lương của Việt Nam cũng như lương GV của các nước. Tuy vậy, thu nhập của GV hiện không thấp, vì còn có phụ cấp đứng lớp, vùng miền, thâm niên, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu được hưởng mức lương tốt hơn, GV sẽ không phải làm thêm việc khác, mà sẽ sống bằng chính nguồn thu nhập từ giảng dạy. Như thế, khi toàn tâm toàn ý với nhà trường, đương nhiên chất lượng giảng dạy của GV sẽ tăng lên. Họ sẽ có nhiều thời gian bổ túc và cập nhật kiến thức cũng như phương pháp và công nghệ dạy học mới. Họ cũng có thời gian tìm hiểu HS, giao lưu và chia sẻ với phụ huynh thì sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nghề nghiệp.

Nhưng một điều rất quan trọng, nhu cầu đặc thù bậc cao của giới trí thức chính là được tôn trọng, được thừa nhận, được thể hiện mình, được sáng tạo. Khi nhu cầu ấy được đáp ứng, mà mức lương chưa thỏa mãn cho cuộc sống thì người GV vẫn có thể chấp nhận. GV được tôn trọng cũng là cách tốt nhất để hút người giỏi vào ngành SP trong giai đoạn hiện nay.

Xin cảm ơn bà!