Tập trung giải quyết nợ xấu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều nay (30/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được mời để giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.
 
Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan
 
Cho rằng việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về quá trình này.
 
Nhận được nhiều câu hỏi xung quanh lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 30/10. Trong thời gian có hạn, người đứng đầu ngành ngân hàng chỉ xin phép nói về 2 vấn đề nhức nhối nhất là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
 
Tập trung giải quyết nợ xấu - Ảnh 1
 
Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình cho rằng riêng ngân hàng không thể giải quyết nợ xấu
 
Nhắc lại rằng những vấn đề xung quanh việc xử lý nợ xấu đã được trình bày kỹ lưỡng trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ hồi cuối tháng 8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết chỉ đề nghị được "mượn" diễn đàn Quốc hội để tái khẳng định rằng nợ xấu không phải là một con số duy nhất mà "biến động hàng ngày". Nhận định này được ông đưa ra trước nhiều ý kiến cho rằng các thống kê nợ xấu của cơ quan quản lý hiện không thống nhất.

"Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, người ta đều thống nhất rằng con số do cơ quản quản lý, trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước, đưa ra là có cơ sở nhất", T
hống đốc Nguyễn Văn Bình nói. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay rất thống nhất với diễn biến của nền kinh tế: "Tăng mạnh đầu năm, kể từ tháng 6 thì tăng chậm hẳn lại".

Về trách nhiệm giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu chỉ đơn thuần là nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về 2 đối tượng này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho (đã được thế chấp để vay vốn). Do đó việc tiêu thụ hàng tồn cũng có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nợ xấu.

"Hiện nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được số này thì nợ xấu cũng giảm được đáng kể. Ngoài ra, nợ đọng vốn bất động sản khác hiện cũng rất lớn", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Về đề án xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành, và hiện đang ở giai đoạn xin ý kiến Bộ Chính trị do còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan khác như Chính phủ, Quốc hội. "Với tư cách là Thống đốc, tôi không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo đề án, đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, tức là khoảng 3%",
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Song song với việc xử lý nợ xấu, trong phần phát biểu của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng dành thời gian để nói nhiều về tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng. Ông cũng lưu ý rằng bên cạnh việc mua bán, sáp nhập, quá trình này còn bao gồm nhiều nội dung khác như làm lành mạnh hóa tài chính các ngân hàng, vốn đang thu được nhiều kết quả tích cực.

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém Thống đốc cho biết Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành, do Phó thủ tướng làm trưởng ban. Tại mỗi ngân hàng được xử lý cũng có ban chỉ đạo riêng "Như vậy, quá trình xử lý ngân hàng thương mại không phải chỉ có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều cơ quan, bộ ngành",
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá cụ thể, đã có trong luật, người đứng đầu ngân hàng cho biết một mặt đang thực hiện thanh tra tại chỗ đối với 26 tổ chức tín dụng trong năm nay. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng mời các hãng kiểm toán độc lập để đánh giá sức khỏe ngân hàng. "Kết quả ban đầu cho thấy những tổ chức tín dụng yếu kém, cần tái cơ cấu đều rất xứng đáng",
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trong giai đoạn thống nhất với các tổ chức tín dụng về phương án xử lý, trên cơ sở tôn trọng tính tự nguyện của các nhà băng này. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cam kết ngay khi có được kết quả cuối cùng, các con số cũng như phương án tái cơ cấu cụ thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố.
 
Cần bao phủ Bảo hiểm Y tế để tránh tác động từ giá viện phí

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tình trạng quá tải bệnh viện đang là bức xúc lớn của xã hội. Chúng ta hiện nay mới chỉ đạt 22,5 giường bệnh/10 vạn dân, trong khi yêu cầu là 33 giường/10 vạn dân; các nước trong khu vực thấp nhất là 35 giường/10 vạn dân, có nước lên tới 140 giường/10 vạn dân. Quá tải tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng đề án giảm quá tải, trong đó có việc tăng quy mô giường bệnh; chuẩn bị phê duyệt bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, nhi.. Theo đó, các tỉnh sẽ tự điều trị mà không cần chuyển lên tuyến trên; xây dựng đề án bác sĩ gia đình; đưa các bác sĩ trẻ, giỏi về các huyện nghèo.

Về giá viện phí, 18 năm nay chưa tăng, giá viện phí quá thấp thì người dân đi khám chữa bệnh rất khổ. Vì vậy, Chính phủ đã điều chỉnh viện phí nhưng cũng chỉ mới tăng 3 trong 7 yếu tố. Tuy viện phí tăng ảnh hưởng đến người dân nhưng đối tượng người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách.. đều đã được Chính phủ hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Để tránh tác động từ giá viện phí, cần bao phủ BHYT. Đó là nền móng của một nền y tế nhân văn, công bằng, người dân ít phải chi trả. BHYT là khát vọng của chúng ta, hiện nay BHYT mới chỉ phủ 68% người dân, mục tiêu mà Chính phủ hướng đến là đạt 80% vào năm 2020.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là công việc của nhiều ngành nhưng hiện nay công tác quản lý còn nhiều bất cập: nhập lậu thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan; tình trạng sử dụng hóa chất thực vật, phụ gia hóa chất.. gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Dù có nhiều đề án nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục hết những yếu kém, khó khăn, do Luật vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay mới chỉ đi vào thực hiện. Để khắc phục, cần kêu gọi người dân tiêu dùng thông thái, Quốc hội, xã hội tăng cường giám sát cộng với chế tài xử phạt nghiêm để chấn chỉnh tình trạng này. Tới đây, cơ sở nào kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt nặng, công khai danh tính.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần