Tập trung giữ an toàn hồ chứa

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua, mưa vẫn tiếp diễn phức tạp trên địa bàn Hà Nội khiến mực nước nhiều hồ chứa trên địa bàn TP lên cao.

Công tác đảm bảo an toàn hồ chứa đang được các đơn vị chức năng tập trung cao độ. 

Khảo sát thực tế tại hồ Kèo Cà (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) có dung tích khoảng 600.000m3, mưa trong những ngày qua khiến mực nước hồ chứa này lên mức 21,53m, cao hơn so với dung tích thiết kế 0,03m. Trước diễn biến trên, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn đã tiến hành xả tràn tự do nước hồ vào hệ thống kênh tiêu ra sông Cà Lồ. Ông Tạ Văn Hân - Tổ quản lý  hồ Kèo Cà cho hay, không chỉ khi mực nước lên cao mà ngay khi có thông tin về lượng mưa có thể khiến mực nước hồ vượt ngưỡng, đơn vị đã tổ chức giám sát và triển khai công tác xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho khoảng 200ha cây trồng và các công trình dân sinh vùng hạ du.
Hồ Kèo Cà (huyện Sóc Sơn) được vận hành xả lũ khi mực nước lên cao sau bão số 3. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hồ Kèo Cà (huyện Sóc Sơn) được vận hành xả lũ khi mực nước lên cao sau bão số 3. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo báo cáo ngày 22/8 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) TP Hà Nội, hiện mực nước trên hầu hết các hồ chứa ở mức cao nhưng vẫn thấp hơn so với dung tích thiết kế. Một số hồ chứa có mực nước cao hơn so với thiết kế từ 3 – 5cm như Mèo Gù (Ba Vì), Miễu (Thạch Thất), Văn Sơn (Chương Mỹ). Trong ngày hôm qua, các đơn vị quản lý những hồ chứa nêu trên tiếp tục tổ chức xả tràn. Ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT TP nhận định, hiện trạng 95 hồ chứa trên địa bàn TP cơ bản đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các địa phương không được phép chủ quan, bởi diễn biến thời tiết còn phức tạp, trong khi nhiều hồ chứa trên địa bàn TP hiện đang có dấu hiệu xuống cấp. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT TP yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra an toàn hồ đập, tổ chức trực ban 24/24 giờ nhằm chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.   

Thông tin từ Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) ngày hôm qua cho thấy, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện có 47/115 hồ chứa đã tích đầy nước. Các hồ chứa khác đã đạt từ 60 – 85% dung tích thiết kế. Đặc biệt, có 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao, tập trung tại Bắc Giang (8 hồ), Vĩnh Phúc (4 hồ), Thái Nguyên và Quảng Ninh – mỗi địa phương có 3 hồ. Các hồ chứa có tràn xả lũ bằng cửa van đang được các địa phương vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt. Lực lượng PCTT được bố trí ứng trực thường xuyên, theo dõi mực nước, hiện trạng công trình và sẵn sàng các phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du.

lChiều 22/8, Sở NN&PTNT đã tổ chức 3 đoàn tiến hành kiểm tra diện tích cây trồng bị thiệt hại tại các huyện ngoại thành chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, mực nước ở các địa phương đang tiếp tục rút. Mặc dù một số diện tích lúa bị ngập nhưng không ảnh hưởng nhiều do các địa phương thực hiện các giải pháp tiêu úng kịp thời. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn TP vẫn có tới hơn 300ha rau màu bị dập nát, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Thường Tín và Hoài Đức. Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục đôn đốc, động viên nông dân khẩn trương thu hoạch.
Đề phòng dịch bệnh bùng phát sau cơn bão số 3

Sáng 22/8, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ yêu cầu triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh việc triển khai công tác VSMT, VSATTP tại những nơi bão đi qua, đề phòng các dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ; đồng thời triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Yêu cầu các sở y tế cần chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. (Trần Nga)