Tập trung khách cho vận tải công cộng

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai trục giao thông chính của cửa ngõ phía Tây - Nam Thủ đô là: Nguyễn Trãi - Trần Phú và Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Quang Trung (Hà Đông) đều đang chịu áp lực rất lớn của quá trình đô thị hoá.

Muốn giảm tải cho khu vực này cần tổ chức giao thông tốt theo hướng ưu tiên vận tải công cộng (VTCC), thậm chí có thể nghiên cứu cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ để dành khách cho xe buýt BRT.

Xe buýt BRT hoạt động trên phố Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải
Xe buýt BRT hoạt động trên phố Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải

Ưu tiên hướng đi thẳng

Trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú có tổng chiều dài gần 5km, từ Ngã Tư Sở đến cầu Trắng (Hà Đông). Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội đã cùng với các chuyên gia của Hội Cầu đường Hà Nội phối hợp khảo sát, nghiên cứu trên thực tế tuyến đường này. Đây là một trong hai trục giao thông chính, đảm nhiệm vai trò kết nối cửa ngõ phía Tây – Nam Thủ đô với nhiều khu đô thị mới, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức...

Tuyến đường này cũng hội tụ đầy đủ nhất các loại hình tham gia giao thông với tàu điện trên cao, xe buýt thường, ô tô, xe mô tô, xe đạp... có mật độ rất lớn. Dù có một trong những nút giao hiện đại nhất Thủ đô với 4 tầng: Hầm chui, đường bộ, cao tốc trên cao, đường sắt đô thị nhưng tình trạng ùn tắc giao thông lại diễn biến khá phức tạp trên tuyến.

Một trong những nguyên nhân chính là do lưu lượng giao thông vượt quá tiết diện mặt đường. Nếu không tổ chức giao thông tốt, bám sát diễn biến để điều chỉnh theo thực tế sẽ gây nhiều hệ luỵ về giao thông, mất ATGT, lãng phí lớn trên mọi phương diện.

Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông khu vực này cũng là bài toán khó. Do trục đường chính có tiết diện lớn, năng lực lưu thông cao nên thu hút ngày càng đông phương tiện; trong khi đó các tuyến đường ngang kết nối lại chưa đồng bộ. Ùn tắc giao thông tại các nút giao, đường nhánh bên sườn khiến trục Nguyễn Trãi - Trần Phú bị ảnh hưởng rất lớn. Tổ chức giao thông hiệu quả trong bối cảnh chênh lệch năng lực như vậy cực kỳ khó khăn.

Nhiều chuyên gia của Hội Cầu đường Hà Nội cho rằng, cần tách dòng phương tiện trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú theo hướng ưu tiên đi thẳng và chỉ cho rẽ trái tại các nút có đèn tín hiệu, xe rẽ trái và quay đầu đi chung một làn, một nhịp đèn. Các nút không có đèn tín hiệu có thể buộc phương tiện phải đi thẳng qua và quay đầu tại nút có đèn.

Dòng phương tiện di chuyển ngắn hoặc rẽ phải cần được hướng dẫn, bắt buộc đi làn ngoài phía phải. Cùng với đó, điều chỉnh lại nhịp đèn tín hiệu cho phù hợp lưu lượng thực tế trên cơ sở ưu tiên đi thẳng. Riêng hướng rẽ trái tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi cần ưu tiên cho các hướng từ nội đô đi ra. Cùng với đó, tăng cường thêm bãi đỗ xe cho khách sử dụng tàu điện để thu hút hơn nữa người dân chuyển đổi phương tiện đi lại chính.

Nên cấm taxi trên tuyến có xe buýt BRT đi qua

Trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Quang Trung (Hà Đông) đang ngày càng gia tăng lượng phương tiện giao thông. Tại đây còn có xe buýt BRT - là loại hình VTCC tiên tiến nhưng mới chỉ có một tuyến duy nhất, chưa có những tuyến khác kết nối, vì vậy khó có thể phát huy hiệu quả tối đa.

Nhưng trong tương lai không xa, chính VTCC mới là cứu cánh, giúp chúng ta giải quyết bài toán giao thông đô thị. Dù thế nào đi chăng nữa vẫn cần phải tôn trọng, dành ưu tiên cao độ cho VTCC trong tổ chức giao thông.

Một trong những biện pháp hữu hiệu là hạn chế các loại phương tiện từ xe cá nhân, cho đến xe buýt thường trên lộ trình của xe buýt BRT. Đặc biệt nên cấm các loại taxi, kể cả taxi công nghệ, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trùng lộ trình để tập trung gom khách cho xe buýt BRT.

Tại các nút giao, đường ngang kết nối dọc trục lộ trình xe buýt BRT thì tăng cường xe buýt thường kết nối, điểm trông giữ xe cá nhân để thuận tiện cho người dân sử dụng. Xe buýt BRT cũng có làn đường riêng, dù không biệt lập hẳn như đường sắt trên cao nhưng đủ điều kiện để chiếm lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Vấn đề là hiện làn riêng của xe buýt BRT bị xâm phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thời gian chạy xe. Trong khi đó nhiều loại hình VTCC khác, nhất là xe taxi công nghệ lại có ưu thế về giá cước, tốc độ, cạnh tranh khốc liệt khiến xe buýt BRT giảm hiệu quả.

Mặt khác, việc thiết kế tổ chức giao thông trên tuyến cần tối ưu để khai thác tốt nhất diện tích đường hiện có, kể cả vỉa hè cũng như không gian phụ cận. Xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè các tuyến phố này để bán hàng rong, lập bãi đỗ xe trái phép... Đầu tư mở rộng những tuyến đường ngang hỗ trợ như Vũ Trọng Khánh, Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Minh Giám, Huỳnh Thúc Kháng. Đồng thời nghiên cứu mở mới hoặc nâng cấp các tuyến dọc song song với Lê Văn Lương - Tố Hữu để có điều kiện phân bổ rộng, đều áp lực giao thông.

Hai trục đường nêu trên có vai trò vô cùng quan trọng và cũng đang chịu áp lực giao thông vào loại lớn nhất của Hà Nội. Vì vậy, việc thiết kết tổ chức giao thông cần được giao cho đơn vị tư vấn có kinh nghiệm triển khai, được đưa ra các hội thảo liên ngành, với sự tham dự của cả ngành giao thông, Công an TP, DN vận tải, đặc biệt là VTCC để góp ý, thống nhất định hướng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần