Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Văn Rón, ngay sau Đại hội XIII, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trình Ban Chấp hành T.Ư ban hành các quy định, quy trình nhằm đảm bảo hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ với quy định của pháp luật. Từ đó cập nhật kịp thời các thay đổi, đúc rút từ thực tiễn, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu của cấp ủy để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ hàng năm với phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung kiểm tra, giám sát luôn chú trọng về phòng ngừa, nhắc nhở, tránh để xảy ra vi phạm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chủ động tham mưu các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định về tăng cường trách nhiệm và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những điểm nóng, những vấn đề bức xúc của xã hội.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thành lập 18 đoàn kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Việc quản lý tài chính, tài sản công về đất đai, tài nguyên khoáng sản, việc thực hiện các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động tư pháp, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện trách nhiệm nêu gương về công tác cán bộ.
Trong quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện tinh thần kiên quyết mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra từ cấp cơ sở, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương và xử lý nghiêm, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là một nét mới của công tác kiểm tra, giám sát.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng nhận định, tình hình vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi trong các vi phạm, nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng đang còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Do đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đang nóng hiện nay như: Việc định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán…
Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách và quản lý.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đề nghị, việc phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan, đơn vị có liên quan như thanh tra, kiểm toán, điều tra tố tụng, các cơ quan có chức năng để giám định chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơ. Trong phát hiện, xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, về việc thu hồi, xử lý việc quản lý, sử dụng tiền vi phạm, cần có sự kiểm tra của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp nhằm thu hồi, trả lại cho ngân sách Nhà nước tài sản đã bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiêu cực.