Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung lo Tết cho người dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ kết quả tích cực đã đạt được cho thấy tín hiệu khả quan về kinh tế ngay từ đầu năm, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc chỉ số lạm phát tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan. Đó là nhận định chung mà các thành viên Chính phủ đưa ra tại Phiên họp thường kỳ tháng 1 (ngày 29/1).

Tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực

Với việc ban hành 2 Nghị quyết 01 và 02/ NQ- CP đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN). Nổi bật là lãi suất tín dụng giảm; quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước...

Tập trung lo Tết cho người dân - Ảnh 1

Người dân Hà Nội lựa chọn hàng Tết tại cửa hàng của Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội.Ảnh: Quỳnh Anh

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi mà chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2013 giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất thức săn gia súc, gia cầm và thủy sản; may trang phục; sản xuất xi măng; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất dây cáp điện các loại tăng. Các thành viên Chính phủ cũng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động còn cao. Tính từ  ngày 1 - 20/1, cả nước có 3.837 DN được thành lập với số vốn đăng ký trên 15.900 tỷ đồng, tăng 10,2% về số DN và giảm 61,3% về số vốn đăng ký so với tháng 12/2012; Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường giá cả; bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán; tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo đảm gieo cấy vụ đông xuân kịp thời vụ, đồng thời, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết.

Tập trung lo Tết cho người dân - Ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.Ảnh: TTXVN

Để bảo đảm việc đi lại của người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng "nhồi nhét" trên tàu, xe. "Nếu cần các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Cụ thể hóa các Nghị quyết ngay từ đầu năm

Cho rằng các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, các thành viên Chính phủ kiến nghị các cấp, các ngành, địa phương tích cực thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung cải thiện công tác điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp, nhất là các biện pháp có thể làm tăng giá cả; Khẩn trương triển khai tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh: Giảm chi phí, giá thành sản phẩm; tăng sức mua, giảm tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ, như: đưa hàng về nông thôn, khuyến khích các DN liên kết tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... Triển khai các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đối với những vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tốt lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, không để "giật cục", hướng vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa. Ngành Tài chính tập trung giải ngân hết vốn 2012, triển khai vốn 2013, đồng thời nắm chắc nhu cầu để xem xét, xử lý việc ứng vốn năm 2014 cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm.

Không thanh tra lại về sai phạm đất đai ở Đà Nẵng

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/1, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra ở Đà Nẵng là bình thường, đúng quy định pháp luật và sẽ không thanh tra lại; Thanh tra tại Đà Nẵng là một trong nhiều cuộc thanh tra được tiến hành hàng năm. Năm 2012, 24 cuộc thanh tra có kết luận và công bố được 20, còn lại một số nội dung liên quan tới an ninh quốc phòng hoặc cần tiếp tục làm rõ. Điều đó cho thấy, thanh tra và công bố kết luận thanh tra tại Đà Nẵng là bình thường, theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi báo chí phản ánh về phản ứng của UBND TP Đà Nẵng, Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra báo cáo. Theo Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành, không có khái niệm "phúc tra", chỉ có khái niệm là "thanh tra lại". "Nhưng thanh tra lại chỉ tiến hành với Thanh tra bộ, tỉnh. Còn với Thanh tra Chính phủ thì không có khái niệm thanh tra lại" - ông Vũ Đức Đam khẳng định.