Tập trung thi hành dứt điểm vụ việc liên quan đến tham nhũng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.
Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án
Báo cáo về tình hình công tác tư pháp năm 2018, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã hoàn thành 190/223 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; quyết liệt chỉ đạo cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, với tỷ lệ cắt giảm là 52,13%. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2018 tăng 2 bậc, xếp thứ 4/19 Bộ, ngành; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ 3/19 Bộ, ngành.
Cùng với đó, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao, thi hành xong hơn 571.000 việc, đạt tỷ lệ 80,3% với số tiền hơn 34.500 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Việc xử lý văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, thẩm quyền còn chậm. Còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính.
Năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng công tác nhiệm kỳ của Bộ, ngành Tư pháp. Toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo, hoàn thiện thể chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính. Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế…
Bộ Tư pháp phải “gác gôn”
Điểm lại các kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương đã có đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Chính phủ được Quốc hội giao cả về số lượng và chất lượng.
Lưu ý một số tồn tại, bất cập cần khắc phục, Thủ tướng chỉ ra rằng, tuy có nhiều tiến bộ nhưng xây dựng thể chế, pháp luật vẫn bất cập, chưa theo kịp thực tế, thiếu khả thi, tình trạng nợ đọng vẫn còn. Đây là tình trạng chung nhưng cán bộ tư pháp, pháp chế phải giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, phải tăng cường đôn đốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng điểm qua nhiều sai phạm được phát hiện như vi phạm về đất đai, vụ AVG, Thủ Thiêm… thì vấn đề Thủ tướng trăn trở là “cán bộ pháp chế với tư cách người "gác gôn" về pháp luật nghĩ gì, đã làm hết trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý nhưng lãnh đạo không nghe, có vấn đề gì trong tham mưu không?”.
Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, tình trạng nhờn luật còn khá phổ biến thì Bộ, ngành Tư pháp có đề xuất đột phá nào để thực thi pháp luật hiệu quả hơn. Hoạt động một số nghề tư pháp còn tiềm ẩn phức tạp, còn bộc lộ nhiều bất cập. Giám định tư pháp rất nhiều tồn tại, nhất là giám định phục vụ các vụ án tham nhũng lớn, chậm về thời gian, giám định sai. Tham gia tranh tụng quốc tế tuy cố gắng nhưng ở địa phương còn bị động, bị rồi mới kêu cứu xử lý. Án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp…
Thủ tướng gợi ý Bộ Tư pháp cần xác định tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phải là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật và là “người gác gôn” của Chính phủ trong vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc.