Trong năm nay, quận Thanh Xuân tập trung triển khai hoàn thành công tác GPMB, nhất là tại các dự án trọng điểm của TP: Dự án đường Vành đai 2, các hạng mục của Dự án thoát nước Hà Nội…
Đường Lê Văn Lương từng "ách tắc" nhiều năm vì những khó khăn trong công tác GPMB.Ảnh: Đức San
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, đã nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp về vốn, nhà tái định cư và cơ chế chính sách. Cụ thể, quá trình kê khai, kiểm đếm đo đạc, xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu, hộ khẩu, thời gian sử dụng đất, thời gian cư trú của chủ sử dụng đất… ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm tra, phê duyệt phương án. Bên cạnh đó, cơ chế bố trí vốn, giải ngân thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ, thỏa thuận bố trí nhà, duyệt giá nhà tái định cư… chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ quy định, dẫn đến bị động, phụ thuộc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và gây khiếu nại, thắc mắc.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 02/2013/QĐ-UBND với nội dung chính đền bù theo hướng sát giá thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương, đã nảy sinh nhiều vướng mắc.
Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, việc xác định giá đất bồi thường sát giá thị trường trong điều kiện bình thường theo Quyết định 02 của UBND TP (chỉ lấy một số thửa đất đặc trưng trong dự án để định giá), trong khi Luật Đất đai quy định phải xác định giá đất cho từng thửa đất, đây sẽ là một trong những nội dung khó trong tuyên truyền, giải thích. Số hộ có diện tích đất ở phải GPMB lớn sẽ bị thiệt thòi, do đất chỉ được bồi thường đến hạn mức 90m2.
Mặc khác, nguồn vốn cho công tác GPMB của các dự án đã được phân bổ, nay đều phải bổ sung tăng (khi giá đất bồi thường sát giá thị trường). Các dự án đủ điều kiện và đang triển khai công tác GPMB trên địa bàn quận phần lớn chuyển tiếp từ năm 2012. Do đó, khi thực hiện theo Quyết định 02, đã phát sinh khối lượng lớn công việc liên quan đến nhiều cơ quan và làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB theo kế hoạch.
Không để phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo"
Tại địa bàn quận Thanh Xuân, có những dự án kéo dài nhiều năm do không nhận được sự đồng thuận từ người dân, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã GPMB xong.
Dự án đường Lê Văn Lương là một ví dụ điển hình. Khi triển khai dự án, nhiều hộ dân không hợp tác, gây khó khăn cho công tác đo đạc, kiểm đếm. Sau khi rà soát, phân loại từng trường hợp, UBND phường, quận đã công khai mục đích dự án, sau đó khảo sát thực tế, lấy chi bộ, đảng viên, hệ thống chính trị ở cơ sở làm nòng cốt để tuyên truyền giúp người dân hiểu. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, địa phương kiến nghị xin cơ chế đặc thù giải quyết. Do đó, trong vòng gần một năm, gần 300 hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, năm nay, quận tập trung cao độ cho việc GPMB các dự án trọng điểm của TP như: Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Dự án đường Vành đai 2... Đối với những khó khăn trong công tác GPMB khi có Quyết định 02, sẽ thuê tư vấn độc lập xác định giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết những khó khăn phát sinh cũng như có đủ quỹ nhà phục vụ tái định cư. Đặc biệt sẽ không để phát sinh vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo" khi dự án làm xong…
Ngay trong quý I, Quận ủy đã chỉ đạo GPMB dự án dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), tổng diện tích đất phải thu hồi 49.628m2, liên quan đến 31 cơ quan và 637 hộ dân, trong đó quận Thanh Xuân phải thu hồi 23.608m2 liên quan tới 7 cơ quan và 172 hộ dân ở phường Khương Mai, Phương Liệt và Khương Trung. Dù đã hoàn thành đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất, đang điều tra hiện trạng, xác nhận nguồn gốc đất, xác nhận hộ khẩu… tuy nhiên, khối lượng công việc tiếp theo còn nhiều.
Do vậy, Quận ủy yêu cầu UBND quận phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo GPMB TP và các sở, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, biệt phái cán bộ giúp cho cơ sở, phân kỳ tiến độ thực hiện, không để phát sinh khó khăn phức tạp…