Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tất bật chờ ngày khởi quay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/3, bộ phim có nội dung xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị vua sáng lập kinh thành Thăng Long – vua Lý Công Uẩn mang tên “Khát vọng Thăng Long” sẽ chính thức bấm máy.

KTĐT - Ngày 15/3, bộ phim có nội dung xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị vua sáng lập kinh thành Thăng Long – vua Lý Công Uẩn mang tên “Khát vọng Thăng Long” sẽ chính thức bấm máy.

 

Đoàn làm phim vừa trải qua một cái Tết không nghỉ để hoàn tất công việc chuẩn bị như thiết kế đạo cụ: Bát đĩa, cày cuốc, quần áo… Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (đạo diễn bộ phim “Khát vọng Thăng Long”) cho biết, phải rất khó khăn mới thuyết phục được các thợ thủ công ở làng nghề làm việc trong những ngày Tết. Và theo anh, bộ phim sẽ diễn ra đúng tiến độ và kịp đón ngày Đại lễ (10/10).

 

Bộ phim “Khát vọng Thăng Long” được đạo diễn Lưu Trọng Ninh dành nhiều tâm huyết. Ý tưởng thực hiện bộ phim này có từ bốn năm trước, với mong muốn gửi tới khán giả những hình ảnh chân thực về cuộc sống của người dân cách đây 1000 năm về trước, đồng thời giới thiệu tới công chúng trong nước và thế giới những nét đẹp về cảnh sắc và văn hóa của Việt Nam. “Khát vọng Thăng Long” và bộ phim “Chiếu dời đô” cùng chung ý tưởng thực hiện, song đến nay chỉ có “Khát vọng Thăng Long” sẽ chính thức bấm máy. “Khát vọng Thăng Long” là bộ phim nhựa được làm hoàn toàn với kinh phí xã hội hóa và gần như không có tài trợ nên được rất nhiều người quan tâm và ghi nhận.

 

Tại sao lại chọn làm phim về vua Lý Công Uẩn, theo đạo diễn giải thích, Lý Công Uẩn là nhân vật “trong sáng đến tận cùng. Trong lịch sử, ông không một tì vết. Ông đi từ đạo Phật, trở thành vua. Và tám đời vua không chiến tranh. Kể cả trong truyền thuyết, trong dã sử, Lý Công Uẩn vẫn là vị thánh”. Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, cho biết thêm: “cách đây mấy tháng, Sở có họp với hơn 200 nhà văn miền Nam để mời viết bài cho website 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và bị chất vấn tại sao Hà Nội làm phim về Trần Thủ Độ mà không làm phim về vị vua đầu tiên của triều Lý, người có công lập ra Thăng Long. Lúc đó Sở không biết phải trả lời ra sao. Do đó, “Khát vọng Thăng Long” sẽ giúp chúng tôi trả lời câu hỏi này”.

 

Điểm khác biệt của phim truyện nhựa “Khát vọng Thăng Long” so với các dự án khác về quá trình dời đô là bối cảnh hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam: Hà Nội, Ninh Bình (trong đó có chùa Bái Đính), Thanh Hóa, Huế, Đăk Lăk (cảnh chiến trận)… “Tôi không muốn quay phim ở nước ngoài vì muốn giữ cho phim thật Việt Nam. Cảnh triều chính không phải quá quan trọng, mà còn là những cầu ao, làng nghề, bụi tre, cổng làng”. Lưu Trọng Ninh khẳng định. Mặc dù, tại Việt Nam chưa có trường quay nên kinh phí dựng bối cảnh sẽ làm tăng chi phí sản xuất và tốn nhiều công sức cho đoàn làm phim. Bên cạnh đó, việc tái hiện lại cuộc sống của người dân cách đây 1000 năm gặp nhiều khó khăn do tư liệu lịch sử để lại không còn nhiều. Song ekip làm phim vẫn thống nhất, xây dựng nên bộ phim lịch sử đúng chất Việt Nam, dùng bối cảnh Việt Nam, con người Việt Nam (ngoài các thành phần kỹ thuật: quay phim người Mỹ, kỹ xảo, âm thanh người Pháp, các khâu còn lại đều do người Việt đảm nhiệm). Cho nên, đề xuất mượn trường quay của nước bạn - Trung Quốc đã không được chọn là phương án tối ưu. “Bởi kể cả mượn trường quay Trung Quốc vẫn phải cải tạo bối cảnh. Văn hóa, kiến trúc Việt rất khác. Ví dụ, kiến trúc của Trung Quốc là cao và kín, chúng ta thấp và mở. Màu sắc cũng khác. Trung Quốc là vàng và đỏ. Còn chúng ta là nâu. Vì thế chúng tôi chọn phương án làm phim trong nước” – đạo diễn cho biết.

 

Bộ phim mất sáu tháng tiền kỳ (dàn dựng bối cảnh, đạo cụ, kỹ xảo), theo khẳng định từ phía đoàn làm phim, khâu tiền kỳ đến nay gần như đã hoàn tất (trong phim dã sử, khâu tiền kỳ là quan trọng nhất). Để tăng phần hấp dẫn, phim dàn cảnh những trận chiến thời loạn tam thái tử. Quy mô trận chiến thì dễ, nằm trong tầm tay của mình: Bao nhiêu người, ngựa xe bố trí ra sao; còn đánh như thế nào là cả một vấn đề. Phim sẽ có những đại cảnh chiến tranh hoành tráng. Sau khi hoàn tất “không chỉ công chiếu cho khán giả Việt Nam mà còn mang ra thế giới, để nước ngoài hiểu thêm về văn hoá Việt Nam” bà Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Kỷ Nguyên Sáng (nhà sản xuất và đai diện nhóm nhà đầu tư) khẳng định.

 

Từ nay cho đến ngày kỷ niệm đại lễ chỉ còn 228 ngày, nghĩa là còn chưa đầy 7 tháng nhưng đoàn làm phim vẫn giữ vững lòng tin sẽ hoàn thành đúng dịp cả nước kỷ niệm ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.