Cùng với người trồng hoa khắp mọi miền đất nước, người trồng hoa trên địa bàn Thủ đô đang rất hy vọng vào một cái Tết đủ đầy hơn từ những nụ hoa Xuân.
Nhộn nhịp trên những đồng hoa
Cánh đồng Khoai nhiều năm qua vẫn là vùng hoa quan trọng của phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm). Đang là những ngày đầu Đông, nhưng tiết trời vẫn nắng nóng như mùa Hè. Tranh thủ chiều mát, anh Nguyễn Văn Hùng (phường Tây Tựu) kéo dây dẫn nước, tưới cho diện tích gần 5 sào hoa cúc của gia đình. Từ tháng 8 đến nay, đồng hoa được gia đình chăm chút tỉ mỉ. “Có Tết hay không trông cả vào số hoa này. Cũng mong trời không lạnh để hoa kịp nở, “ăn” vào dịp Tết...” - anh Hùng chia sẻ.
Ở phường Tây Tựu hiện vẫn còn hàng trăm hộ trồng hoa phục vụ nhu cầu Tết. Người dân nơi đây đa phần vẫn trồng các loại hoa cúc, hoa ly.
Ít “tên tuổi” hơn làng hoa truyền thống ở quận Bắc Từ Liêm, nhưng vùng hoa thuộc huyện Mê Linh những năm gần đây nổi lên và dần chiếm lĩnh thị trường hoa của Hà Nội. Với quỹ đất rộng, người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, địa phương đã quy hoạch và phát triển những vùng hoa rộng hàng trăm héc ta. Bên cạnh một số chủng loại hoa phổ biến cung ứng cho dịp Tết như cúc, ly, thược dược, lay ơn, nhiều giống hoa (nhất là hoa hồng) có xuất xứ từ Pháp, Hà Lan, Trung Quốc… cũng được người dân Mê Linh mạnh dạn thử nghiệm. Trên cánh đồng hoa xã Đại Thịnh, chị Nguyễn Thị Lan cùng cô con gái tranh thủ xuống đồng thu hoạch hoa hồng. Theo chị Lan, so với các loại hoa khác, hoa hồng cho giá trị kinh tế ổn định hơn do có thể thu hoạch quanh năm (chứ không chỉ riêng vụ Tết). “Trời đang ấm quá. Sau đợt thu hoạch này, chúng tôi sẽ phải bọc giấy báo từng nụ giữ cho hoa nở chậm lại để nở vào dịp Tết” - chị Lan tâm sự khi đôi tay vẫn thoăn thoắt không rời những bông hoa.
Cùng với hoa tươi, người trồng đào cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Trên diện tích khoảng 10 sào thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), anh Mai Văn Đạt nhanh tay vặt toàn bộ lá trên một gốc đào. "...Để kích thích cây ra hoa. Mà thời tiết cứ nắng thế này, khéo năm nay lại hỏng ăn” - anh Đạt cho biết khi chúng tôi thắc mắc vì sao lại ngắt đi những chiếc lá vẫn còn tươi xanh. Theo chia sẻ của nhiều người trồng đào, diện tích của những làng đào từng rất nổi tiếng của quận Tây Hồ như Phú Thượng, Nhật Tân còn lại không nghiều. Nhưng may mắn khi nơi đây giờ đã không còn là địa chỉ duy nhất cho người chơi đào tìm đến mỗi độ Xuân về. Những năm qua, một số vùng đào mới của Thủ đô đã nảy nở và đang ngày một phát triển như ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), phường Dương Nội (quận Hà Đông), xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh)… Ngoài đào bích và đào hạt, đào phai đang được nông dân các địa phương nhân trồng nhằm đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày một đa dạng.
Những buổi tối cận Tết Nguyên đán, có dịp đi qua những vùng hoa, nhất là ở khu vực ven đô, vùng nông thôn, sẽ dễ dàng trông thấy ánh đèn chiếu sáng lấp lánh trên từng ô thửa rất đẹp mắt. Những tháng cuối năm, người nông dân phải thường trực trên những đồng hoa. Họ dựng lều bạt, nhà tạm để tiện nghỉ ngơi, trông nom và chăm sóc cho những ô thửa bạt ngàn hoa đang độ vào Xuân, cũng là cho niềm hy vọng rất lớn sau một năm lao động vất vả, nhọc nhằn.
Trời cho thì được lộc Xuân
“Hoa cũng giống như một cô gái đẹp. Đẹp thì có người săn đón, kém đẹp hơn thì phải tự rao bán” - đó là cách ví von có phần hài hước nhưng phản ánh thực tế về việc tiêu thụ hoa hiện nay trên thị trường của nhiều người trồng hoa. “Nếu hoa đẹp và khan hiếm hàng, tiểu thương khắp nơi sẽ tìm về mua. Giá cả khi đó cũng cao hơn” - chị Nguyễn Thị Hưởng, một người trồng hoa lâu năm ở phường Tây Tựu cho biết. Nhưng ngược lại, nếu hoa nở xấu và nguồn cung dồi dào, những người nông dân như chị Hưởng sẽ phải thức khuya dậy sớm để chuyên chở hoa đi bán buôn, bán lẻ trên khắp các phố phường, tại những khu chợ hoa đêm trên địa bàn Hà Nội…
Nhờ cây hoa mà nhiều năm qua, người nông dân một số vùng quê hoặc “nửa phố nửa quê” (như ở làng hoa Tây Tựu, làng đào Nhật Tân) cũng bận rộn hơn với Tết. Bận rộn, nhưng có thêm thu nhập cũng là điều đáng để vui mừng, để hy vọng. Dù vậy, người trồng hoa vẫn còn đó không ít nỗi lo. Lo cái nghịch lý “được mùa mất giá” năm nào cũng lặp đi lặp lại, nhưng lo nhất vẫn là cái lo… ông trời, bởi thời tiết là điều khó ai có thể kiểm soát được. Nói vậy bởi như chị Hưởng chia sẻ: Hoa nở đúng dịp cận Tết, giá bán ít nhất cũng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nếu bán lẻ thậm chí còn được giá gấp đến cả chục lần. Nhưng nếu ông trời không thương, thì khả năng bị thua lỗ luôn thường trực. Ở phường Tây Tựu mùa Xuân năm trước, đã có không ít hộ, trong đó bao gồm cả gia đình chị bị thua lỗ, thậm chí mang nợ vì đầu tư nguồn vốn lớn vào trồng hoa ly nhưng cho giá trị kinh tế thấp vì trời quá lạnh. Cũng vì cái lạnh đầu Xuân Bính Thân 2016 mà nhiều hộ trồng hoa đào ở các phường Phú Thượng, Nhật Tân phải chịu cảnh thất thu. “Năm trước, trời lạnh kéo dài khiến hoa đào mãi tới 27 - 28 Tết mới chớm nở. Thử hỏi đến khi ấy thì còn biết bán cho ai nữa…” - anh Đạt ngậm ngùi nhớ lại. Cũng theo anh Đạt, nếu thời tiết không thuận lợi, hoa đào nở cho cánh nhỏ, mỏng, xấu và xỉn màu. Khi đó, những chậu đào bán ra thị trường sẽ không được giá.
Nỗi lo một ngày, đất chẳng nở hoa
Là người nông dân, năng suất, chất lượng cây trồng nói chung, hoa cây cảnh nói riêng chịu ảnh hưởng của thời tiết là điều cực chẳng đã. Ấy thế nhưng, người trồng hoa nay cũng đã bước đầu có được cho mình những kế sách để can thiệp, điều chỉnh "căn bệnh" thất thường của ông trời. Bà Nguyễn Thị Dung là một trong những hộ đầu tiên ở phường Tây Tựu mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng kho lạnh bảo quản hoa. Theo đó, hoa sau khi được thu hái nếu chưa muốn hoặc chưa thể tiêu thụ có thể giữ trong kho với thời gian từ 7 - 10 ngày mà không lo bị hỏng. Tại những miền hoa mà chúng tôi có dịp ghé thăm, người dân nay đã chủ động lắp đặt hệ thống đèn điện sưởi ấm và xây dựng nhà lán, phủ nilon bao quanh những ô thửa để kích thích tốc độ sinh trưởng của hoa. Dù vậy, với diễn biến thời tiết nóng ẩm khiến hoa đơm bông nhanh thì bà con đến nay vẫn tuyệt nhiên… bó tay.
Cùng với nỗi lo thời tiết, tình trạng đô thị hóa đang khiến nhiều vùng hoa của Thủ đô bị thu hẹp. Sự sụt giảm diện tích trồng hoa lớn nhất có lẽ là ở vùng đào các phường Phú Thượng, Nhật Tân. Đơn cử như hộ anh Mai Văn Đạt, chỉ trong vòng 2 - 3 năm qua, diện tích trồng đào đã sụt giảm đến 55%. Nhiều hộ trồng đào nơi đây thậm chí không còn đất canh tác, phải di chuyển ra vùng bãi ven sông Hồng hoặc thuê đất ở các địa phương khác để trồng đào. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Thưởng (phường Tây Tựu) hiện cũng phải đi thuê hơn 5 mẫu đất ở các xã Tân Lập, Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) để trồng hoa ly. Các dự án phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng xã hội mọc lên khiến những cánh đồng hoa bị chia cắt. Hệ thống thủy lợi ít được quan tâm đầu tư khiến nguồn cấp nước phục vụ sản xuất gặp ngày càng nhiều khó khăn. Dẫu biết rằng, giao đất cho các dự án xây dựng sẽ được đền bù bằng tiền, nhưng trớ trêu thay, đó lại chẳng phải là điều mà nhiều người dân mong muốn. Và nỗi lo một ngày, đất chẳng nở hoa đang khiến không ít bà con nông dân một đời gắn bó với cây hoa thêm phần trăn trở…
Cùng với sự chuyển mình của đất trời, người trồng hoa khắp Thủ đô đang mong ngóng từng ngày Tết đến để được thu hoạch thành quả sau nhiều tháng lao động chuyên tâm. Kỳ vọng của họ đặt nhiều hơn vào lộc Xuân của đất trời. Ai nấy đều mong muốn những vườn hoa Tết sẽ bung nở đúng dịp, tô thắm thêm cho phố phường Hà Nội. Và trên hết, để gương mặt người nông dân thêm rạng rỡ những nụ cười.