Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, nguyên Phó trưởng Ban QLĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu:

Tất cả đều nhìn về phía trước, nỗ lực vì dự án, vì Thủ đô

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều năm chờ đợi, đoạn tuyến trên cao, dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã được đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô Hà Nội.

Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội về những gian nan của dự án.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội
Ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội

Ông có vai trò như thế nào trong dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội?

- Tôi được điều động đến nhận chức danh Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (gọi tắt là Ban Quản lý) vào năm 2016, và được giao trực tiếp thực hiện dự án tuyến ĐSĐT thí điểm số 3 Nhổn - Ga Hà Nội. Từ đó tới năm 2023, tôi cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý đã tập trung toàn diện cho dự án.

Có thể nói, hầu hết các dấu mốc đáng nhớ của dự án trong giai đoạn từ 2016 đến nay tôi đều được vinh dự góp mặt. Mặt khác, hầu hết những áp lực đối với dự án tôi cũng đều được cảm nhận trực tiếp, rõ rệt.

Dự án đã gặp những khó khăn gì? Có khi nào ông cảm thấy ngã lòng hay không?

- Với tính chất đặc thù là tuyến ĐSĐT “thí điểm”, tức là chưa hề có kinh nghiệm thực hiện trước đây, Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn với dự án này. Khó khăn trải dài qua các lĩnh vực: quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục pháp lý, nhân sự, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật… Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề mới phát sinh khiến cả Ban Quản lý, nhà thầu, và cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng, mất nhiều thời gian xử lý.

Có rất nhiều thời điểm bản thân tôi cũng như tập thể Ban Quản lý cảm thấy mệt mỏi, lo lắng nhưng chưa một phút nào ngã lòng. Tất cả đều nhìn về phía trước, nỗ lực vì dự án, vì Thủ đô. Chúng tôi đã lần lượt trải qua mọi khó khăn cho đến khi dự án thiết lập một guồng quay ổn định, đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ như hôm nay, vận hành được đoạn tuyến trên cao, khởi động được robot đào hầm TBM…

Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm vui về dự án?

- ­Niềm vui thì không ít, lớn có, nhỏ có. Đầu tiên phải kể đến việc Ban Quản lý đã đưa được các nhà thầu trở lại công trường vào năm 2017, sau hơn 6 năm đình trệ thi công do vướng mắc GPMB. Tiếp đó là niềm vui khi phiến dầm chữ U đầu tiên được lao lắp vào tháng 6/2016; rồi toàn tuyến đường ray trên cao được hoàn thành vào năm 2019.

Tôi cũng trực tiếp đi đón đoàn tàu đầu tiên từ Pháp về Việt Nam tại cảng Đình Vũ. Khi nhìn thấy toa tàu đầu tiên được cẩu lên bờ, cảm xúc rất mãnh liệt, tôi cùng anh em đều như được tiếp thêm một nguồn sức lực mới.

Rồi khi Thành ủy, UBND TP Hà Nội trực tiếp tháo gỡ cho dự án toàn bộ vướng mắc về GPMB, Thủ tướng Chính phủ cho phép TP ứng tiền ngân sách để giải ngân cho dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ, kéo nhà thầu trở lại công trường lần thứ hai. Rồi khi robot đào hầm được lắp đặt thành hình, khi mũi khoan đầu tiên được ghim vào lòng đất ga ngầm S9.

Và hôm nay khi đoạn tuyến trên cao được vận hành, niềm vui và cảm xúc dâng trào trong mỗi cán bộ, nhân viên của Ban là không có lời nào tả xiết. Chúng tôi đã chịu quá nhiều áp lực trong 8 năm qua, đã làm tất cả để có được thành quả ngày hôm nay.

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao chính thức vận hành từ ngày 8/8. Ảnh Duy Khánh
Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao chính thức vận hành từ ngày 8/8. Ảnh Duy Khánh

Những áp lực mà ông nói tới là gì?

- Có rất nhiều khó khăn, gian truân trong quá trình thực hiện dự án mà tập thể Ban Quản lý, cá nhân tôi và cả các cơ quan quản lý Nhà nước không dễ để chia sẻ với người dân Thủ đô. Không có ai muốn dự án chậm tiến độ, đội vốn, bị ngờ vực, phê bình. Thực tế là có quá nhiều khó khăn khách quan mang lại, đúng với tính chất của một dự án “thí điểm”, mà quá trình giải quyết lại không hề đơn giản, không thể chủ động nhanh chóng.

Ví dụ như vấn đề GPMB. Trước dự án chưa hề có quy định nào về GPMB, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của việc thi công các ga ngầm. Ban đã kiến nghị các bộ, ngành tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng phải mất nhiều năm mới đưa ra được cơ sở pháp lý cho công tác GPMB các ga ngầm, mà sau này sẽ là căn cứ chung cho các công trình khác.

Nhiều ý kiến cho rằng dự án chậm trễ, “lỡ hẹn” nhưng ít ai biết, chậm là do quy định pháp lý của nước ta nói chung chưa theo kịp, chưa đầy đủ để thực hiện các dự án ĐSĐT. Ví dụ như hợp đồng FIDIC, loại hợp đồng áp dụng cho dự án theo luật quốc tế, có quy định rất khác biệt với pháp luật Việt Nam.

Để tìm được tiếng nói chung với nhà thầu, bảo vệ quyền lợi dự án, quyền lợi cho TP; đồng thời vượt qua khó khăn để tiếp tục thi công, chúng tôi đã phải vắt kiệt sức lực của chính mình.

Mỗi khi nghe dư luận phê phán “đội vốn, chậm tiến độ”, ít nhiều anh em cũng chạnh lòng. Chỉ mong người dân Thủ đô cảm thông và chia sẻ với những cái khó mà chúng tôi không phải nguồn cơn.

Áp lực lớn nhất gặp phải trong suốt quá trình gắn bó với dự án là gì, thưa ông?

- Có lẽ áp lực lớn nhất mà đội ngũ làm dự án nói chung và tôi gặp phải là dư luận trái chiều. Chúng tôi không sợ cho chúng tôi mà sợ ba điều.

Thứ nhất là dư luận xã hội tác động trực tiếp đến dự án, khiến những vướng mắc có thể phức tạp hơn, nhà thầu quốc tế có thể coi đó là cách để gây áp lực với TP, với Ban Quản lý.

Thứ hai dư luận trái chiều, thiếu kiểm chứng, những ý kiến không có sự thấu hiểu, cảm thông khiến hình ảnh các dự án ĐSĐT ít nhiều trở nên phức tạp hơn. Trong tương lai mỗi dự án ĐSĐT sẽ phải khởi đầu với ấn tượng đó, chịu sức ép rất lớn ngay từ đầu.

Thứ ba là mỗi cán bộ, nhân viên Ban Quản lý ĐSĐT đều có gia đình, người thân. Mỗi khi có thông tin trái chiều về dự án, gia đình, người thân của chúng tôi vô cùng lo lắng. Thật không công bằng khi họ phải cũng phải chịu sức ép từ những vấn đề khách quan trong công việc của chúng tôi.

Ông có mong muốn gì cho ĐSĐT Hà Nội nói chung và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội nói riêng?

- Mong muốn lớn nhất các dự án ĐSĐT sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành để hình thành xương sống cho mạng lưới vận tải công cộng của TP, qua đó giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cùng với sự phát triển của ĐSĐT, đô thị Hà Nội sẽ có điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là triển khai mô hình TOD, hướng tới xây dựng một TP hiện đại, văn minh và giàu có.

Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn, từ kinh nghiệm thực hiện dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, TP sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho các dự án ĐSĐT, để khi đã bắt tay vào làm là bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, TP cũng đã đưa ra Đề án phát triển ĐSĐT đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội đạt được kỳ vọng có 600km ĐSĐT. Những khó khăn vướng mắc trước đây, qua việc rút kinh nghiệm từ dự án ĐSĐT số 3, đã có cơ sở để giải quyết triệt để.

Tương lai các dự án ĐSĐT sẽ thuận lợi hơn nhiều, tôi mong đội ngũ những người làm dự án, quản lý, vận hành ĐSĐT sẽ luôn giữ vững tinh thần, niềm tin và khát vọng cống hiến để thành công hơn nữa, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!