Cuộc sống dần ổn định
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 20/10, nước tiếp tục rút trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Hiện, tại xã Tân Tiến chỉ còn khoảng 50 hộ dân thuộc hai thôn Việt An và Tiến Tiên còn bị ngập. Những ngày qua, chính quyền và người dân nơi đây tập trung cho công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Văn Mạnh, dù nước trong khu dân cư đã cơ bản rút, tuy nhiên, nước vẫn ngập khá sâu trên những cánh đồng. Việc sản xuất của bà con chưa thể khôi phục.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên người dân khu Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thanh Hải |
Trong khi đó tại xã Nam Phương Tiến, thôn Nhân Lý - một trong những khu vực bị ngập sâu nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, nước đã rút khá nhanh, tuy nhiên, người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền để có thể đi sâu vào ngôi làng nằm ven sông Bùi này. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, đến nay, địa phương vẫn còn khoảng 100 hộ bị ngập. Cùng với việc đi lại khó khăn, nhiều hộ gia đình tại xã Nam Phương Tiến, chủ yếu thuộc thôn Nhân Lý vãn chưa có điện lưới để sử dụng.Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty Điện lực huyện Chương Mỹ Trần Ngọc Giỏi cho biết, những ngày qua, đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến nước rút để đánh giá mức độ an toàn, có phương án tổ chức sửa chữa hệ thống điện. Theo ông Giỏi, việc cấp điện trở lại cho người dân được thực hiện trên tinh thần khẩn trương nhất. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm yếu tố an toàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng động viên và tặng quà bà con vùng lũ xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Công Hùng |
Liên quan tới vấn đề đến trường của học sinh trên địa bàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Vững thông tin, đến nay, tại 3 cơ sở giáo dục là Trường mầm non, Tiểu học và THCS xã Nam Phương Tiến, nước vẫn chưa rút hẳn. Ngành giáo dục huyện đang chỉ đạo các trường “nước rút đến đâu, tập trung dọn dẹp vệ sinh tới đó”. “Chúng tôi đang cố gắng để các em học sinh tại các cơ sở giáo dục nêu trên có thể đến trường trong thời gian sớm nhất…” - ông Vững nói. Cũng theo khảo sát của phóng viên, đến ngày hôm qua (20/10), dù nước đang tiếp tục rút nhanh, nhưng, tại 3 xã An Tiến, Hợp Thanh và Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức), nhiều khu vực vẫn còn bị ngập sâu. Nhiều tuyến đường nước vẫn ngập cao tới gần 1m. Việc đi lại của người dân chủ yếu là dùng thuyền, khoảng 150 hộ dân thuộc các xã vùng chịu ảnh hưởng mưa lũ vẫn chưa được cấp lại.Không để dân đói, dân khátNhững ngày qua là khoảng thời gian người dân vùng lũ, trọng tâm là hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức phải chống chọi với sự cố thiên tai kể từ trận lụt lịch sử năm 2008. Dẫu vậy, cuộc sống đang dần ổn định trở lại, không chỉ bởi nỗ lực vượt khó của người dân vùng lũ, mà còn bởi sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thăm hỏi, tặng quà cho hộ dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng |
Ngay khi mưa lũ xảy ra, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành ủy, HĐND, UBND TP đã phân công nhau trực tiếp xuống các vùng ngập lụt để sẻ chia với đồng bào, chỉ đạo cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức các biện pháp hỗ trợ Nhân dân, bảo đảm không để dân đói, dân rét cũng như bảo vệ tài sản, gia súc, gia cầm. Với tinh thần đó, bên cạnh nỗ lực tập trung điện, máy phát phục vụ bơm tiêu nước, không để nước ngập lâu, ngành y tế phối hợp với đơn vị phòng dịch, nước rút đến đâu tiến hành công tác vệ sinh môi trường đến đó; chuẩn bị thuốc men, phun thuốc khử trùng không để phát sinh dịch bệnh. Ngoài hỗ trợ cư dân vùng lũ hai huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ hàng trăm bồn nước Sơn Hà, nước uống đóng thùng, một số nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày cũng được chuyển đến tận tay nhiều hộ gia đình. 3 máy lọc nước, trong đó có 2 máy công nghệ Đức, không cần sử dụng điện có thể lọc nước sông thành nước uống với công suất 1.500 lít/ngày được TP tặng 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến những ngày qua hoạt động hết công suất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra máy lọc nước sạch tặng nhân dân vùng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Anh Quý |
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã vận chuyển nước sạch tới để bà con vùng lũ lấy về phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác. Đến nay, bà con vùng lũ đã có cả nước ngọt để uống và nước sạch để sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến vừa bê bình nước 18,9 lít về nhà, vừa nói với phóng viên: Từ ngày lũ lên cao, nước giếng khoan cũng không thể sử dụng được. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình bà chưa thiếu một giọt nước ngọt nào nhờ sự quan tâm của TP và huyện.Những ngày mưa lũ đi qua,nhiều vùng dân cư không có điện. Tuy nhiên, người dân cũng không phải mò mẫm trong bóng tối, bởi các hộ gia đình được UBND hai huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ trang bị đèn pin đa năng. “Khi nào hết điện, lại chạy qua nhà hàng xóm… sạc nhờ” - chị Lê Thị Hân, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến cho biết. Theo chị Hân, những ngày qua, gia đình chị nhận được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan của TP. “Huyện cũng tổ chức hỗ trợ người dân chúng tôi muối, gạo. Mỗi hộ một ít nhưng cũng đỡ phải ăn mỳ tôm. Thấy bảo là của TP trao tặng” - chị Nguyễn Thị Mai, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến cho biết. Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, với tinh thần tương thân, tương ái của Nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của TP và chính quyền địa phương, Nhân dân vùng lũ đã từng bước ổn định cuộc sống và sẵn sàng cho hoạt động sản xuất khi nước rút.