Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tắt điện thoại đồng hành cùng con: Để trẻ có tuổi thơ trọn vẹn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong thời đại công nghệ 4.0, phụ huynh thường xuyên làm việc bằng máy tính, điện thoại mà ít dành thời gian trò chuyện và chơi cùng con. Do đó, các giáo viên mầm non kêu gọi phụ huynh “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” để trẻ có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, đáng nhớ.

Tắt điện thoại, bật yêu thương

Gần một tháng nay, từ khi tham gia Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” do trường Mầm non Tân Hội B tổ chức, nếp sinh hoạt của gia đình chị Nguyễn Thị Hương Mai, 35 tuổi, thôn Phan Long, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng đã thay đổi nhiều. Và niềm vui lớn nhất của gia đình là bé Kim Ngọc Minh Quân (5 tuổi) đã cười nhiều hơn trước, âu yếm bố mẹ hơn.

Phụ huynh chơi cùng con tại Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” .
Phụ huynh chơi cùng con tại Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” .

Chị Hương Mai kể, công việc của vợ chồng chị đều bận bịu. Trước đây, cứ tối đến là bố mẹ lại tranh thủ ôm điện thoại, máy tính để xử lý công việc, Minh Quân không có người chơi cùng. Thậm chí, phần lớn thời gian cậu bé cũng “ôm” điện thoại như bố mẹ. Mỗi thành viên trong gia đình chìm đắm trong khoảng không gian riêng, thời gian trò chuyện với nhau vì thế mà hạn chế đi.

Tuy nhiên, từ khi tham gia Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” do trường Mầm non Tân Hội B, nơi Minh Quân theo học tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, thấy con phấn chấn, năng động, say mê chơi cùng mẹ và các bạn, chị Mai thay đổi hẳn suy nghĩ.

“Bây giờ mỗi buổi tối, tôi dành ra trước 1 tiếng không dùng điện thoại, máy tính để chơi với Minh Quân, chồng thì kèm con gái lớn học bài. Sau đó, chồng lại dành 1 tiếng để chơi với con thì tôi tranh thủ bật máy tính xử lý công việc. Như vậy, mỗi ngày Minh Quân có ít nhất 2 tiếng chơi cùng bố mẹ. Dù vẫn chỉ là những trò thường ngày như xếp hình lego, ô tô hay trò chuyện với nhau nhưng con rất say mê, ngoan và tình cảm hơn hẳn” – chị Hương Mai tâm sự.

Chơi cùng trẻ sẽ giúp cha mẹ gắn kết với con cái hơn.
Chơi cùng trẻ sẽ giúp cha mẹ gắn kết với con cái hơn.

Theo chị Mai, trước kia khi vợ chồng chị dành ít thời gian chơi với con, trước giờ ngủ Minh Quân giận dỗi ném điện thoại xuống giường. Nhưng giờ đây, con ít chơi điện thoại, trước khi đi ngủ biết tự giác đánh răng rồi âu yếm chúc bố mẹ ngủ ngon. “Đúng là khi rời xa thiết bị công nghệ, dành thời gian chơi với con, vợ chồng tôi thấy con thay đổi hẳn” – chị Mai bày tỏ.

Tương tự, bé Nguyễn Ngọc Gia Linh (5 tuổi), con gái chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, xã Tân Hội cũng trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn hẳn khi được bố mẹ chơi cùng. Chị Thanh Hoa cho biết, đa phần phụ huynh trẻ hiện nay đều bận bịu với công việc, các mối quan hệ xã hội nên thường “dính” với chiếc điện thoại suốt ngày, không có nhiều thời gian chơi cùng con.

Cùng con tham gia Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con”, dù trời mưa, có lúc gián đoạn chương trình nhưng chị Thanh Hoa thấy con rất phấn khích, cười nói không ngớt. “Bây giờ, mỗi tối, tôi đều cố gắng dành thời gian trò chuyện cùng con, hạn chế dùng điện thoại. Thi thoảng cuối tuần, vợ chồng tôi cùng nhóm bạn lên kế hoạch đi nghỉ dưỡng ở các homestay, villa để cho các con có cơ hội trải nghiệm thực tế, thay đổi không khí” – chị Hoa cho biết.

Tiền bạc có thể kiếm ra nhưng tuổi thơ của con không bao giờ trở lại

Nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non, cô giáo Đỗ Thị Hằng – Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hội B luôn đau đáu với nỗi niềm của trẻ. Chị cho biết, trong thời đại công nghệ 4.0, phụ huynh thường xuyên làm việc bằng máy tính, điện thoại mà ít dành thời gian trò chuyện và chơi cùng con.

Trẻ hào hứng tham gia Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” do trường Mầm non Tân Hội B tổ chức.
Trẻ hào hứng tham gia Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” do trường Mầm non Tân Hội B tổ chức.

“Các con học cả ngày với cô ở trường, tối về mới có dịp gần gũi bố mẹ nhưng nhiều phụ huynh lại chỉ chú tâm vào điện thoại, máy tính, ít quan tâm đến con. Có hôm đến lớp, con mếu máo kể với cô: “Mẹ bấm điện thoại, bố ngồi máy tính, không ai chơi với con” mà thấy thương quá!” – cô Đỗ Thị Hằng tâm sự.

Chính vì vậy, trường Mầm non Tân Hội B đã tổ chức Ngày hội “Tắt điện thoại đồng hành cùng con” nhằm gửi gắm thông điệp tới phụ huynh: “Tiền bạc có thể làm ra nhưng tuổi thơ của trẻ sẽ không bao giờ trở lại” được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ, 100% trẻ mẫu giáo được tham gia, mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo niềm vui cho các con.

Trong đó, ngoài các tiết mục văn nghệ, xiếc, ảo thuật trên sân khấu ngoài trời, bố mẹ, các con cùng cô giáo còn tham gia vào những hoạt động tập thể như tô tượng, vẽ tranh, thử tài nội trợ…

“Nhiều phụ huynh trẻ hiện nay mải mê kiếm tiền, bận rộn với các thiết bị công nghệ thông tin nên chúng tôi tuyên truyền, chỉ mong mỗi ngày phụ huynh dành ra từ 30 – 60 phút buổi tối chơi cùng con. Đôi khi chỉ là nằm tâm sự, trò chuyện với con, hỏi han con đi học thế nào. Sau vài ngày các phụ huynh phản ánh lại là con thay đổi rất nhiều” – cô Hằng vui mừng chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Phụ huynh ý thức được việc dành thời gian chơi với con giúp con phát triển tốt hơn.
Phụ huynh ý thức được việc dành thời gian chơi với con giúp con phát triển tốt hơn.

Để con không cô đơn

“Tuổi thơ của con ở TP sẽ trôi qua như thế nào?” là câu hỏi được khá nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay đau đáu. Nguyễn Thùy Linh, ngõ 139 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội có hai con nhỏ, một bé 3 tuổi, một bé 1 tuổi chia sẻ, mỗi ngày vợ chồng cũng khá căng thẳng khi làm việc trên máy tính và điện thoại nên buổi tối dành thời gian cho con là rất cần thiết.

“Con gái lớn 3 tuổi đi lớp nên tối đến tôi thường dành thời gian trò chuyện cùng con xem ở trường có chuyện gì vui hay không, con học gì, chơi gì? Rồi tôi cũng cùng con tập hát, đọc cuốn truyện hay, chơi đồ chơi và đôi khi tán thưởng, cổ vũ làm cho con thấy phấn chấn hơn. Cuối tuần thì cả nhà sẽ cùng nhau đi bảo tàng, công viên, khu vui chơi nên con rất háo hức” – chị Linh cho biết.

Cũng theo chị Thùy Linh, tuổi thơ của các con trôi qua rất nhanh nên bố mẹ cũng muốn được đồng hành cùng các bé. Nhất là ở Hà Nội, giữa nhịp sống đô thị, con không có nhiều điều kiện trải nghiệm thực tế như ở nông thôn nên vợ chồng chị càng quan tâm đến việc cho con ra ngoài chơi mỗi khi có thời gian. “Tất nhiên, sống ở thời đại công nghệ, tôi cũng vẫn dùng điện thoại một chút để chụp ảnh lưu lại các khoảnh khắc đáng yêu của con” – chị Linh bày tỏ.

Vợ chồng chị Nguyễn Kim Cúc, anh Đoàn Hải Long (chung cư CT 2 Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) ưu tiên dành thời gian đưa con ra ngoài khám khá thiên nhiên.
Vợ chồng chị Nguyễn Kim Cúc, anh Đoàn Hải Long (chung cư CT 2 Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) ưu tiên dành thời gian đưa con ra ngoài khám khá thiên nhiên.

Hay như vợ chồng chị Nguyễn Kim Cúc, anh Đoàn Hải Long (chung cư CT 2 Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) đều làm công việc liên quan đến lĩnh vực IT và bán hàng trực tuyến nên càng hiểu rõ sức hút cũng như sự lệ thuộc của công nghệ với cuộc sống. Vì thế, ở nhà, hai vợ chồng thỏa thuận với nhau hạn chế dùng điện thoại để con không cảm thấy cô đơn. Bé Đậu (3 tuổi) con vợ chồng anh chị vì thế cũng gần như không có ham mê điện thoại hay chơi game.

“Sau 3 năm chăm Đậu, tôi thấy con yêu thích nhất là được chơi cùng bố mẹ chứ không phải xem ti vi, dùng máy tính hay bất kỳ món đồ chơi nào. Vợ chồng tôi thường đọc sách cho con, chơi đồ chơi cùng con như tô màu, đá bóng hoặc nhiều khi chỉ là nằm dài tâm sự về những chuyện con thấy, trải qua trong ngày như hôm nay đi học có vui không, gặp cái gì ấn tượng không, có gì khiến con tò mò để bố mẹ giải đáp và gia tăng vốn từ” – chị Kim Cúc cho biết.

Nhận thức rõ 3 năm đầu đời rất quan trọng với con, là thời điểm vàng để con phát triển tư duy, ngôn ngữ đến tính cách nên anh Đoàn Hải Long luôn ưu tiên dành tối đa thời gian cho con.

“Ban ngày con đi lớp, tối về mới được chơi với bố mẹ. Ở chung cư chật chội, cuối tuần, tôi ưu tiên đưa con ra môi trường rộng lớn hơn như bảo tàng, công viên khám phá thiên nhiên hay đơn giản chỉ là cả nhà trải nghiệm đi xe buýt, cho con học làm lính cứu hỏa… để con mở rộng hiểu biết. Cuối tuần này, nhà tôi dự định cho con lên Tuyên Quang ngắm các mô hình đèn Trung thu để con hiểu thêm về văn hóa Tết Trung thu và tuổi thơ con nhiều kỷ niệm hơn” – anh Đoàn Hải Long chia sẻ.

Bé Đậu rất hào hứng khi được bố đưa đi chơi.
Bé Đậu rất hào hứng khi được bố đưa đi chơi.

Trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, với nền tảng của một phụ nữ gốc Do Thái nuôi con nhỏ, tác giả Sara Imas (sinh năm 1950) chỉ ra kết luận từ một nghiên cứu về sự phát triển của trẻ trong mối quan hệ với cha mẹ. Theo đó, nếu trước khi trẻ 6 tuổi, cha mẹ không dành đủ thời gian cho trẻ thì trong 6 năm tiếp theo, phụ huynh sẽ khó thiết lập được sự tin tưởng cho con, vô tình tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ - con cái và rất khó để níu gần.

Việc tiếp xúc sớm với công nghệ như tivi, điện thoại thông minh quá nhiều khiến trẻ có thể tự thu mình lại, không có nhu cầu trò chuyện với người xung quanh, không chịu vận động. Từ đó dẫn đến các hệ lụy như chứng tự kỷ, chậm nói, béo phì… Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đang quá bận rộn với công việc, cuộc sống mà quên đi người bạn nhỏ quan trọng ngay bên cạnh mình.

 

Hồi còn nhỏ, tôi cũng được tiếp cận phương pháp giáo dục này từ người cha của mình. Một mặt, cha dạy tôi không được làm “công chúa Hạt Đậu”, phải làm cô gái chăm chỉ chịu khó; mặt khác, cuối tuần ông đưa tôi tham gia các buổi tụ tập cùng bạn bè của ông hoặc đi uống trà chiều. Tôi nhớ có lần ông xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Sara, mục đích làm việc của người Do Thái là làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn, đừng vì kế sinh nhai mà xem nhẹ hưởng thụ cuộc sống, nó sẽ khiến con mất đi những thứ quý giá hơn rất nhiều”.

Những lúc cùng cha uống trà, ăn điểm tâm là khoảnh khắc đẹp nhất, vô tư nhất trong ký ức thời thơ ấu của tôi. Đến nay, trong đầu tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ cha thư thả tựa lưng vào ghế, vừa nghe tiếng nhạc dịu êm, vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện thần tiên.

Trích đoạn trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của tác giả Sara Imas