Tata rút khỏi dự án 5 tỷ USD: Đâu là nguyên nhân?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Thép Tata Steel (Tập đoàn Tata, Ấn Độ) mới đây đã công bố sẽ rút hoàn toàn khỏi dự án thép 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh do việc cấp phép bị trì hoãn và có nhiều vấn đề khó khăn trong môi trường kinh doanh.

Trên thực tế, việc Tata rút lui khỏi dự án đã theo đuổi 7 năm đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về nguyên nhân thực sự của sự đổ bể này.

Nguyên nhân dự án đổ bể

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, có nhiều nguyên nhân đằng sau sự rút lui của Tata. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do gặp vấn đề trong việc cấp phép đầu tư.

Ban đầu, Tata được đánh giá rất cao bởi đây là tập đoàn lớn trên thế giới mạnh cả về khai mỏ và luyện kim. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một nhà đầu tư lớn khác là Formosa (Đài Loan) gần thời điểm đó với việc đề xuất lập dự án xây dựng khu liên hiệp hợp gang thép tại địa điểm này với tổng mức đầu tư ban đầu gần 9 tỷ USD, đã khiến phát sinh nhiều vấn đề xung quanh việc sử dụng đất đai.
Tata rút khỏi dự án 5 tỷ USD: Đâu là nguyên nhân? - Ảnh 1
Theo đó, mảnh đất ban đầu dự định được giao cho bên nhà đầu tư Tata đã được chuyển giao, thay vào đó tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho bên Tata mảnh đất khác không đảm bảo yêu cầu ban đầu. Do đó, nhà đầu tư này cho rằng Hà Tĩnh đã không thực hiện đúng cam kết trong biên bản, làm ảnh hưởng lớn đến việc lập dự án đầu tư, gây khó khăn cho việc xin cấp giấy phép đầu tư.

Nguyên nhân thứ hai là do bất đồng xung quanh vốn giải phóng mặt bằng. Trả lời báo NTNN ngày 11/2, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, phía Tata Steel gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn tạm ứng cho việc giải phóng mặt bằng khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Phía nhà đầu tư Tata Steel yêu cầu Chính phủ Việt Nam bỏ tiền giải phóng mặt bằng sau đó sẽ hoàn trả, nhưng do số tiền quá lớn gây khó khăn cho phía Việt Nam.

Song, phía bên Tata sau đó dẫn Luật Đầu tư cho rằng nhà đầu tư không phải trả chi phí giải phóng mặt bằng và cấp nước, dẫn đến việc hoạt động giải phóng mặt bằng bị trì hoãn, công việc bị bế tắc.

Nguyên nhân thứ ba được các chuyên gia ngành thép đưa ra là do dự án của Tata là chưa khả thi, khi trông chờ sử dụng nguồn nguyên liệu mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Dự án mỏ lớn nhất Việt Nam này có tổng trữ lượng quặng dự báo 370-400 triệu tấn nay đang được giao cho tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản chủ trì, nhưng thực tế công việc chưa triển khai được bao nhiêu. Do đó, nguồn quặng mà Tata nhắm đến nếu tiếp tục đầu tư vào đây cũng sẽ bế tắc.

Nghi ngờ về hiệu quả

Trước những dự án đầu tư từ các đối tác nước ngoài như vậy, có lẽ các tỉnh cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định hợp tác một dự án nào đó, khi kết quả của những dự án này trong ngắn hạn còn chưa nhìn thấy được kết quả cụ thể mà hệ lụy nó đem lại cho cuộc sống của người dân lại rất lớn.

Điển hình như dự án Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh cũng đã ứng hàng ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, rồi di dời hàng ngàn hộ dân cho Dự án thép của Tập đoàn Fomosa. Nhưng đến nay, dự án này cũng chưa đóng góp được gì cho ngân sách.

Điều này cũng cho thấy, các tỉnh nghèo có lẽ không nên trông chờ quá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài. Vì nếu có nhiều trường hợp tương tự xảy ra như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch ngành và địa phương.

Cuộc sống của người dân không những không được cải thiện mà còn gặp nhiều khó khăn hơn khi mà không biết đến bao giờ các dự án mới được triển khai và đem lại hiệu quả.