14 giờ ngày 20/10, tàu 467 Hải quân đã đưa 83 ngư dân và 2 thi thể ngư dân tử vong về đến Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Quân chủng Hải quân đã phối hợp bàn giao các ngư dân và thi ngư dân bị nạn trên biển cho biên phòng và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam.
Trong số 83 ngư dân được tàu 467 Hải quân đưa về thì có 78 người thuộc 2 tàu cá gặp nạn, bị chìm ở vùng biển Trường Sa là tàu QNa-90129 TS và QNa 90927 TS; 5 ngư dân còn lại của tàu khác xin về cùng. 78 ngư dân của 2 tàu cá gặp nạn được đưa về an toàn chủ yếu quê ở xã Tam Giang và Tam Quang (huyện Núi Thành).
Từ sáng nay, khu vực Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 đã có rất đông người thân ngư dân, người dân và nhiều lực lượng chính quyền túc trực đón các ngư dân trở về. Ai cũng hồi hộp chờ đợi giây phút tàu cập cảng để được tận mắt nhìn thấy những ngư dân thoát nạn trở về bằng da bằng thịt.
Khi tàu cập cảng, tất cả vỡ òa. Người thân những ngư dân trở về thở phào, hạnh phúc trong nước mắt. Nhưng chắc chắn trong những con người trở về, họ không thể có được niềm, hạnh phúc và đoàn tụ trọn vẹn. Bởi, vẫn còn đó 13 bạn thuyền đang mất tích giữa trùng khơi sóng biển.
Trong số những người trở về hôm nay, hơn ai hết, ông Lương Văn Viên - thuyền trưởng tàu QNa 90129 TS có lẽ là người buồn nhất. Bởi, tàu của ông có 12 thuyền viên đang mất tích trên biển. Bởi thế, trong giây phút đoàn tụ với người thân, ông ngồi khóc nức nở.
“Về đến đất liền rồi có buồn, có vui” – ông Viên nói. Rồi ông kể, tàu của mình bị gió lóc, vòi ròng và gặp nạn quá chóng vánh, chẳng ai có thể ngờ đến. “Tàu gặp nạn và chỉ chìm trong vòng 5 phút. Các thuyền viên trên tàu lúc đó chỉ lo thoát thân. Tận dụng các vật dụng trên tàu, cụ thể là 4 thúng lật ngửa, anh em thuyền viên bu vào đó để thoát nạn” – ông Viên kể.
Khi ông Viên và các bạn thuyền bu được vào thúng và xem như tạm thoát nạn thì mới hô hoán nhau kiểm tra, điểm danh anh em mới biết được số người bị chìm. “Khi đó trời đã tối om. Anh em quá mệt vì người thì uống nước, người uống phải dầu” – ông Viên xúc động nhớ lại.
Đi biển từ năm 1998 đến nay, ông Viên có gặp sự cố nhưng chỉ là do tàu, chứ bao giờ đối mặt với gió lốc trên biển. “Khi đó anh em đang nghỉ ngơi, ăn uống trên tàu thì gặp nạn. Tàu gặp gió lốc ập đến bất ngờ, giật lật nghiêng liền nên không ai phòng bị kịp. 12 thuyền viên mất tích là do đang bị mắc kẹt trên tàu” - thuyền trưởng Viên kể thêm về giây phút kinh hoàng trong đời đi biển.
Cũng trở về từ chuyến biển bão táp, tâm chưa hết bàng hoàng, anh Võ Hồng Vũ (37 tuổi, thuyền viên tàu QNa 90927 TS) kể, tàu lật là do lốc xoáy, sóng to làm nghiêng rồi chìm dần. Thuyền trưởng và mọi người hô hoán nhau tập trung bơm nước, nhưng tình hình không cải thiện. “Lúc sau tàu nghiêng nhiều hơn, tôi ném thúng xuống biển và nhảy theo để sống sót. Còn một bạn thuyền của tôi vẫn mất tích, buồn lắm ”, anh Vũ giọng trầm buồn.
Như đã đưa tin, lúc 19 giờ 30 ngày 16/10, tàu cá QNa 90129 TS (do ông Lương Văn Viên, 47 tuổi, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng) đang hành nghề câu mực ở khu biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 70 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc thì bị lốc xoáy làm chìm tàu, trên tàu có 54 lao động. Tàu cá QNa 90039 TS hoạt động gần khu vực đã cứu được 40 thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS, 14 ngư dân mất tích. Đến trưa 17/10, lực lượng cứu hộ đã vớt được được 2 người trong số 14 người mất tích.
Cũng trong khoảng thời gian này, tàu cá QNa 90927 TS có 39 lao động hoạt động tại vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa 91782 TS hoạt động gần tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên của tàu cá QNa 90927 TS, 1 ngư dân mất tích.
Nhận được thông tin tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS gặp nạn trên biển, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động các tàu 467, 471 và 735 đến các khu vực các tàu cá bị chìm để phối hợp với các lực lượng trên biển tổ tìm kiếm, cứu nạn ngư dân.
Đến 0 giờ 45 ngày 19/10, tàu 467 đã tiếp cận tàu QNa 90039 đón 43 ngư dân và 2 thi thể. Tiếp đó, 10 giờ ngày 19/10, tàu 467 đã đến vị trí và tiếp nhận 40 ngư dân trên tàu cá QNa 91782 TS.