Các tàu hải quân Trung Quốc và Australia đã có va chạm ở Biển Đông vào ngày Chủ nhật tuần trước.
Các quan chức quân sự Australia nói rằng ba chiến hạm của họ đã bị hải quân Trung Quốc "thách thức" khi di chuyển trên Biển Đông theo luật quốc tế.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, truyền thông Australia đã đưa tin "không phù hợp với sự thật". Theo đó, phía Bắc Kinh khẳng định, các tàu của phía Trung Quốc sử dụng từ ngữ chuyên nghiệp để liên lạc với phía Australia và hoạt động của họ là hợp pháp, tuân thủ, chuyên nghiệp và an toàn.
Gần đây, Trung Quốc đã hoàn thành các cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi lý, bị các nước trong khu vực và quốc tế phản đối.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters rằng lực lượng hải quân nước này đã "duy trì một chương trình mạnh mẽ việc tham gia với các nước xung quanh khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ".
Việc xây dựng các hòn đảo và các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi giao dịch của hàng trăm nghỉn tỷ USD hàng hóa mỗi năm, đã gây ra mối quan ngại đối với các nước khác.
Ngày hôm qua (19/4), về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam có chủ quyền đối hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là vô giá trị và bất hợp pháp.