Sự kiện do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức.
Theo đó, ga Cao Xá đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương nâng cấp thành ga liên vận quốc tế. Trong giai đoạn 1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp bãi hàng hóa trong phạm vi đất đường sắt đang quản lý và đáp ứng yêu cầu tối thiểu về bãi ngoại quan chuyên dùng quy định như cải tạo đường số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; xây dựng mới một đường xếp dỡ dài khoảng 250m; xây dựng mới một văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng, bãi hàng…
Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành một ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại; đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.
Ga Cao Xá có vị trí nằm gần các khu công nghiệp lớn của tỉnh Hải Dương như Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Kenmark… rất thuận lợi phát triển giao thông đa phương thức gồm giao thông đường bộ (Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng…), đường sông (Cảng Tiên Kiều trên sông Thái Bình) và đường sắt.
Việc nâng cao năng lực, đưa Ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn phương thức vận chuyển mới tiên tiến hiệu quả; tiết giảm chi phí vận chuyển xuất khẩu hàng hóa khoảng 30%. Đồng thời, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, đảm bảo đúng lịch trình vận chuyển; đảm bảo hàng hóa vận chuyển an toàn, ít bị va đập, hư hỏng.
Đối với hàng nông sản xuất khẩu, nếu có phát sinh những yếu tố bất lợi khi xuất khẩu có thể xử lý hàng hóa, khắc phục ngay tại địa phương một cách hiệu quả nhất.
Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ…
Với định hướng phát triển Hải Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập trung các dịch vụ logistics phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; đưa dịch vụ logistics thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh… việc mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa mới bằng đường sắt có thể giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu (Kazakhstan, Nga, Belarus và các nước châu Âu).
Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trong tỉnh, trong khu vực có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển.