Hiện tượng có tính lặp lại
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong hơn 2 tháng trở lại đây, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc liên tiếp xảy ra 6 vụ tàu hỏa gặp sự cố trật bánh. Trong đó, có 4 vụ bị trật bánh toa xe chở khách (ngày 28/7, 7/8; 31/8, 15/9), riêng trong ngày 28/9 xảy ra 2 vụ trật bánh đầu máy tàu hàng. Rất may, các vụ việc chỉ gây ách tắc đường sắt trong thời gian ngắn và không xảy ra thương vong.
Đáng nói, các sự cố tàu trật bánh có tính lặp lại đều thuộc khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Hiện nay đoạn đường sắt này đang sửa chữa, nâng cấp, các vụ trật bánh xảy ra khi tốc độ tàu chạy không quá nhanh.
Kết quả kiểm tra hiện trường sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, đoạn tuyến xảy ra các sự cố đi qua khu vực có địa hình đồi núi, bình diện tuyến xấu, có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau; Ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn (ghi N10).
Qua khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, về 2 sự cố đầu máy tàu hàng trong ngày 28/9 do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; thiết kế siêu cao vượt quá tiêu chuẩn cơ sở.
Phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản (ray P50) và ray chống trật bánh (P43 cũ sử dụng lại) không đúng; khe hở ray chống trật bánh lớn quá quy định và mặt đỉnh ray chống trật bánh so với mặt đỉnh ray cơ bản thấp quá quy định. Vì vậy, ray chống trật bánh không có tác dụng, bánh xe vẫn leo lên ray gây trật bánh.
Về các vụ trật bánh các toa tàu khách trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kiểm tra, tiến hành phân tích, đánh giá về chất lượng toa xe, đường sắt, người lái tàu và kết luận chất lượng cầu đường sắt đoạn qua huyện Phú Lộc đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nguyên nhân của các sự cố trật bánh tàu là do thiết kế hệ thống chuyển ray đường sắt (ghi) ở đường sắt số 1 tại Ga Lăng Cô có góc chuyển hướng khá lớn, khác hẳn với thiết kế ghi đường sắt ở các ga tàu khác.
Các toa tàu xảy ra sự cố cũng được xác định có kết cấu đặc biệt với lò xo không khí và cự ly trục bánh xe lớn (2,2m). Trước đây những toa tàu này chạy theo tuyến đường sắt khác, gần đây, ngành đường sắt tăng tần suất các toa tàu Bắc - Nam nên tàu chạy vào đoạn đường ray nói trên và xảy ra sự cố.
Xung quanh sự việc tàu trật bánh liên tục diễn ra tại khu gian này, dư luận đã đặt ra các câu hỏi về biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu lâu dài đối với đoạn tuyến này. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tăng cường kiểm tra hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, sớm có giải pháp giải quyết vấn đề để đảm bảo an toàn giao thông.
Cần giải pháp triệt để
Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, sau khi đoàn công tác phân tích và chỉ ra nguyên nhân đơn vị đã yêu cầu Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức phân tích, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả xử lý theo quy định.
Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại cuộc họp kiểm tra an toàn giao thông đường sắt khu vực Thừa Lưu - Lăng Cô và việc nâng cao công tác đảm bảo an toàn chạy tàu qua các đoạn đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết: “Trước mắt để đảm bảo an toàn, đã đề xuất khi tàu Bắc Nam qua Ga Lăng Cô sẽ đi qua đoạn đường sắt số 2, số 3, không qua đoạn đường sắt số 1. Về lâu dài, Công ty đang đề xuất bố trí vốn để tu sửa đoạn ghi ở đường sắt số 1”.
Theo các chuyên gia giao thông, sự cố tàu trật bánh có tính lặp lại trong đó có 4 vụ liên quan đến toa xe chở khách, 2 vụ là đầu máy tàu hàng rất cần phải được xem xét kỹ lưỡng để khắc phục triệt để.
Hệ thống đường sắt của Việt Nam đã được xây dựng cả trăm năm, nhiều đoạn tuyến đang tận dụng lại các phụ kiện như ray, ghi…một số đoạn tuyến dù phát hiện ra vấn đề nhưng phải chờ phân bổ nguồn vốn định kỳ mới có thể sửa chữa dẫn đến hạ tầng còn nhiều bất cập.
“Để đảm bảo an toàn chạy tàu, việc tăng cường kiểm tra hạ tầng kỹ thuật sau các sự cố càng phải được thắt chặt. Đặc biệt, các vấn đề về kỹ thuật phải được xử lý càng sớm càng tốt. Một vấn đề nữa cần phải lưu ý là do ảnh hưởng của thiên tai thời gian qua, nguy cơ nứt gãy địa chất tại nhiều địa phương rất lớn, ngành đường sắt cũng cần phải điều tra, đánh giá kỹ các yếu tố biến động về địa hình, địa chất, thủy văn cho đoạn tuyến này để xây dựng phương án khắc phục tổng thể và triệt để” – Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung góp ý.
Ngành vận tải nói chung và đường sắt nói riêng sắp bước vào giai đoạn cao điểm Tết với rất nhiều chuyến tàu Bắc - Nam tăng cường. Đối với các đoạn tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tại khu gian Thừa Lưu – Lăng Cô nói riêng và toàn tuyến nói chung, rất cần sớm có các giải pháp khắc phục triệt để tránh sự cố tàu trật bánh tàu lặp lại, không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt và tiến độ chạy tàu.