Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Taxi “chui” bắt chẹt khách nước ngoài tại Hà Nội: Hệ lụy từ lỗ hổng quản lý

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện có khoảng 3.000 taxi ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn TP dẫn đến tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh.

Xe “tàng hình”

Ngày 16/9 vừa qua, 2 vị khách nước ngoài đi từ phố Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) đến Bảo tàng Dân tộc học (Cầu Giấy) đã bị tài xế xe taxi mang BKS: 30A - 562.18 của Công ty TNHH Taxi Đại Hòa Phát thu gấp 5 lần tiền cước so với giá thực tế. Với quãng đường chỉ mất khoảng 150.000 đồng tiền cước, 2 vị khách nước ngoài đã phải trả cho tài xế này 870.000 đồng.

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Ba Đình Bùi Ngọc Tân cho biết, trong khoảng một tháng vừa qua, đơn vị này cũng đã xử lý 2 trường hợp tương tự trên địa bàn. Một trường hợp số tiền hiện trên đồng hồ là 47.000 đồng, nhưng khi khách nước ngoài đưa 500.000 đồng, tài xế chỉ trả lại 30.000 đồng rồi bỏ đi, thu của khách nước ngoài gấp 10 lần cước.

Xe taxi của hãng Đại Hòa Phát hoạt động “chui” tại Hà Nội.

Trở lại với trường hợp xe taxi của hãng Đại Hòa Phát, qua tìm hiểu cho thấy, hãng này đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở chính tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Nhưng tại Hà Nội, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định không hề biết đến sự tồn tại văn phòng đại diện hay chi nhánh nào của hãng Đại Hòa Phát. Xe taxi mang BKS: 30A - 562.18 cũng không được cấp phù hiệu kinh doanh taxi tại Hà Nội. Thậm chí trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng không hề hiển thị dữ liệu hoạt động của chiếc xe này.

Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long nhìn nhận: “Có hàng nghìn chiếc xe taxi dạng đó, đăng ký kinh doanh ở tỉnh ngoài, về Hà Nội hoạt động thường xuyên nhưng không báo cáo với chúng tôi, không truyền dữ liệu GPS về thì khó lòng mà quản lý được”.

Cần có bộ quy chế quản lý riêng

Trong khi dư luận sôi sục bức xúc về trường hợp xe taxi Đại Hòa Phát “chặt chém” khách nước ngoài gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của Hà Nội và cả nước trong con mắt khách quốc tế, thì Sở GTVT Vĩnh Phúc - đơn vị cấp đăng ký kinh doanh, phù hiệu taxi cho DN lại tỏ ra khá... đủng đỉnh. Sau khi thông tin lan truyền rộng rãi, Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi Công điện yêu cầu xử lý nghiêm tài xế taxi 30A - 562.18, nhưng lãnh đạo Sở GTVT Vĩnh Phúc vẫn trả lời chưa biết gì và từ chối những câu hỏi xoay quanh việc xử lý vi phạm.

Trước đó, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàn Kiếm Hoàng Xuân Dư cho biết: “Chúng tôi đã vận động lái xe đến tự khai báo về hành vi vi phạm. Tuy nhiên, DN quản lý là Công ty TNHH Taxi Đại Hòa Phát lại đưa lái xe về trình báo ở tỉnh Vĩnh Phúc”. Ông Đào Việt Long nhận định, trường hợp này xảy ra tại Hà Nội, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh Thủ đô, phải để cơ quan chức năng Hà Nội xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa.
 Xe taxi mang phù hiệu Hưng Yên, hoạt động tại Hà Nội bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt. Ảnh: Ngọc Hải
Chính vì những bất cập, bát nháo đang tồn tại trên thị trường taxi, trong đó có phần nguyên nhân không nhỏ từ lực lượng taxi ngoại tỉnh, taxi “chui” nên việc ra đời bộ Quy chế quản lý riêng của Hà Nội là vô cùng cấp thiết. Nếu có quy chế riêng, phân vùng hoạt động rõ ràng, quản lý về điểm dừng đỗ, có màu sơn thống nhất để nhận biết thì công tác quản lý taxi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Taxi “chui”, taxi ngoại tỉnh sẽ hết đường len lỏi vào Thủ đô, gian lận, bắt chẹt khách, mất trật tự xã hội”.

Taxi do Sở GTVT Vĩnh Phúc cấp phù hiệu, hoạt động thường xuyên tại Hà Nội, gian lận cước, gây ra hệ lụy cho Hà Nội là bất cập rất lớn từ cung cách quản lý taxi hiện nay. Hà Nội cần nhanh chóng có Quy chế quản lý riêng để sớm triệt tiêu loại hình taxi “chui”, ngăn ngừa một cách có hiệu quả những hệ lụy tương tự.

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga