70 năm giải phóng Thủ đô

Taxi Việt thời Uber, Grab: Hợp sức để không “thua trên sân nhà”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hãng taxi truyền thống đang đối mặt với vô vàn khó khăn từ khi Uber, Grab xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường. Làm thế nào để taxi “nội” phát triển trước sự cạnh tranh khốc liệt và không cân sức với hai “ông lớn” đó?

Ngày 6/4, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho DN Việt?”, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hãng taxi truyền thống... đã đưa ra những kiến giải để giải quyết vấn đề này. 
Cuộc chiến không cân sức

Cách đây vài năm, khi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, hầu như chưa một ai biết Uber và Grab là gì. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, hai thương hiệu này đã phát triển với tốc độ chóng mặt cả về số lượng lẫn thị phần khách hàng. Hiện nay, nhắc đến Uber, Grab, hầu hết các DN vận tải Việt Nam đều gọi đây là những "gã khổng lồ" và việc cạnh tranh với hai “ông lớn” này thực sự là cuộc chiến không cân sức.
 Xe taxi đón khách tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.  Ảnh: Hải Linh
Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, sức mạnh lớn nhất của Uber, Grab chính là nguồn lực tài chính khổng lồ. Đây là thứ mà các DN vận tải trong nước không thể sánh được. “Uber, Grab sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng để thu hút người tiêu dùng kèm theo đó là các khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được bởi phải nộp thuế cao hơn nhiều” - ông Hùng nói và cho biết thêm, kể cả khi nhiều hãng taxi truyền thống hiện nay học hỏi Uber, Grab tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự, nhưng vẫn không thể cạnh tranh với hai "ông lớn" này.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Phi – Tổng Giám đốc Công ty CP Mai Linh miền Bắc cho rằng, hiện tại việc cạnh tranh với Uber, Grab của taxi nội đã khó, khi hai hãng này sáp nhập thì khó khăn sẽ còn lớn hơn. Theo ông Phi, Mai Linh hay nhiều hãng taxi khác cũng có thể ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động, nhưng "chúng tôi không thể địch lại được vì Uber, Grab khuyến mại kinh khủng. Ví dụ như họ có chương trình đi liên tục trong 5 cuốc thì được giảm giá, thậm chí miễn phí chuyến đi. Cách khuyến mại như vậy chúng tôi không thể chạy theo. Chúng tôi thua ở năng lực tài chính” - ông Phi bày tỏ.

Thành công của Grab là cơ hội cho taxi Việt

“Việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động của các DN ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho DN. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của DN Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác”. - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX taxi Toàn Cầu đưa ra một lợi thế lớn của Uber, Grab là trong khi taxi truyền thống phải đầu tư rất nhiều tiền để mua tài sản, nhưng hai "ông lớn" này thì không. Lợi thế đó cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường giúp cho Uber, Grab dễ dàng bỏ tiền ra làm các chương trình khuyến mại. Lợi thế của họ vốn đã lớn lại càng lớn hơn.

Đã đến lúc phải hợp sức

Dù đứng trước nhiều bất lợi, khó khăn nhưng nhiều đại biểu đánh giá taxi truyền thống vẫn còn nguyên cơ hội cạnh tranh với Uber, Grab để không “thua ngay trên sân nhà”. Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, ngay sau Uber, Grab Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. Nhưng chỉ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động của taxi truyền thống là chưa đủ, mà điều quan trọng nhất là taxi nội phải cùng kết hợp thành một tập thể lớn mạnh. “Hiện nay 77 DN thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội đều có phần mềm viết riêng cho mình. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thế bị chia nhỏ, bây giờ phải tập hợp lại để tạo sức mạnh” - ông Hùng phân tích.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, ở Hà Nội các DN phát triển co cụm trong đối tượng phục vụ cho mình, không có sự chia sẻ kết nối. Điều này khiến họ bất lợi hoàn toàn khi cạnh tranh với Uber Grab. Theo bà Hiền, các DN vận tải cần nhìn lại bản chất, thay đổi chất lượng dịch vụ chứ không phải chỉ thay đổi công nghệ. “Mỗi giai đoạn người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn, chúng ta phải tự đào thải những gì chưa phù hợp, lạc hậu chứ không chờ người khác đào thải mình. Các DN tích tụ để cùng nhau phát triển là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay” - bà Hiền khẳng định.