Khó khăn chồng chất
Anh Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, trú tại Đông Anh), tài xế taxi Grab gần 2 năm nay cho biết, chưa bao giờ anh gặp phải tình cảnh khó khăn như hiện giờ. "Từ khi kết thúc giãn cách xã hội, tôi hào hứng trở lại công việc thường nhật. Sau khoảng một tháng, tình hình thu nhập dần trở lại do hành khách đặt xe bắt đầu tăng. Nhưng khi Hà Nội thông báo xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, lượng khách giảm hẳn, có ngày tôi chỉ được 4 - 5 cuốc xe, thu được vỏn vẹn 200.000 - 300.000 đồng" - anh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, anh Vũ Hữu Toàn (29 tuổi, quận Cầu Giấy), tài xế cho một hãng taxi lớn tại Hà Nội cho biết, đã phải bán chiếc ô tô Honda City, vì lượng khách sụt giảm mạnh, khiến anh không thể chi trả lãi, gốc cùng với các khoản khác. "Đi làm ngày chỉ nhận được chưa đến 10 cuốc xe. Nhiều hôm không có khách mà cứ đến tháng ngân hàng lại gọi điện thông báo đóng lãi. Vì không còn khả năng chi trả, tôi đành quyết định chấp nhận bán lỗ xe rồi xin làm việc khác" - anh Toàn than thở.
Việc các lái xe đang trong hoàn cảnh như anh Tuấn hay anh Toàn hiện không phải hiếm từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Theo tìm hiểu, ngay cả taxi truyền thống cũng chung tình cảnh thu nhập giảm mạnh, có khi chưa đạt được 50% so với ngày thường trước thời điểm có Covid-19.
Tìm cách thích nghi
Để trang trải cuộc sống, rất nhiều tài xế xe công nghệ phải bươn trải, làm thêm những công việc khác. Anh Đoàn Ngọc Nam (29 tuổi, quê Hà Nam, trú tại quận Bắc Từ Liêm) tài xế xe ôm công nghệ cho biết, anh một mình lên Hà Nội thuê trọ, cố gắng mưu sinh để gửi tiền về chữa bệnh cho bố và nuôi em gái ăn học.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 quay trở lại, công việc càng trở nên khó khăn hơn, anh đã phải chuyển hướng sang làm thêm bảo vệ. "Ban ngày tôi làm bảo vệ, khi tan ca thành nhân viên giao đồ ăn. Tuy nhiên, việc giao hàng cũng chỉ đủ tiền chu cấp cho bản thân, vì giờ đơn hàng ít mà nhân viên lĩnh vực này ngày càng tăng lên, số tiền làm bảo vệ kia cố gắng gửi về quê" - anh Đoàn Ngọc Nam chia sẻ.
Nhiều tài xế cho hay, ngoài việc trông chờ vào ứng dụng "nổ" cuốc, họ cũng nhận những chuyến ngoài từ khách quen để cố gắng cải thiện thu nhập. Ví như trường hợp anh Phạm Đức Trung (29 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm). Do dự liệu được công việc sẽ khó khăn trong mùa dịch bệnh nên anh đã chủ động lưu lại thông tin khách hàng đã từng chở và cố gắng tương tác qua zalo. Nhờ đó, thi thoảng có người quen gọi trực tiếp cho anh để đặt xe.
"Muốn khách tin tưởng mình thì trước đó phải chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch để họ yên tâm. Giờ ngoài ứng dụng đặt xe ra, ngày tôi cũng có thêm 1 - 2 chuyến chở khách quen, chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để cuộc sống trở lại bình thường" – anh Phạm Đức Trung nói.
Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận định, dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến các lái xe và DN. Ghi nhận trong 2 tháng 5 và 6, doanh thu các hãng taxi đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2019. Một số hãng taxi đã hỗ trợ tài xế dưới nhiều hình thức. Như Taxi G7 đã triển khai các biện pháp như miễn các chi phí liên quan (đăng kiểm, đường bộ, bảo hiểm thân vỏ...), giảm 80 - 100 triệu đồng/xe, khi gia nhập sẽ có một chiếc xe với đầy đủ trang thiết bị... Để cố gắng vượt qua khó khăn, khối DN này mong muốn các bộ, ngành có các biện pháp hỗ trợ như giãn thời gian nộp thuế, miễn giảm lãi vay...