Cuộc cách mạng không diễn ra, bởi những thay đổi này đơn giản không thể coi là một cuộc cách mạng về chiến thuật, một khi Prandelli đưa vào sân thêm một trung vệ nữa để gia cố chất thép cho hàng thủ. Đấy chỉ đơn giản là một sự thay đổi về chiến thuật, mà thực ra, chiến thuật ấy không mới. Juventus đã áp dụng sơ đồ 3-5-2 ấy trong hơn một mùa giải và đã thành công trên đấu trường nội địa với Scudetto thứ hai liên tiếp.
Giờ đây, khi hàng thủ trở thành tâm điểm chỉ trích của người hâm mộ bởi 8 bàn thua mà Buffon phải vào lưới nhặt bóng chỉ trong ba trận vòng bảng, "thành tích" tồi tệ nhất trong lịch sử tham dự các giải đấu chính thức của đội Thiên thanh, khi Balotelli chấn thương, phải trở về nhà, và tước mất của người Ý cơ hội nhìn thấy anh sút tung lưới Tây Ban Nha, sự thay đổi này được coi như là cứu cánh cuối cùng để Italia bảo vệ danh dự trong một giải đấu thảm họa.
Nhưng liệu họ có thể làm được điều đó trước một Tây Ban Nha đã bất bại 28 trận chính thức liên tiếp, vẫn thể hiện là đội bóng số 1 thế giới, và đang nhỉnh hơn Italia về đối đầu trực tiếp (thắng 10, thua 9 và hòa 12 trận)? Không dễ dàng trả lời câu đó, nhưng có lẽ, bố trí ba trung vệ sẽ giúp Italia cảm thấy yên tâm hơn. Thứ nhất: ba trung vệ Barzagli, Bonucci và Chiellini sẽ đứng trước Buffon như họ đã luôn là một khối thống nhất và chắc chắn như bê tông ở Juventus.
Những người ấy đã quá quen với sơ đồ 3-5-2 và ở ba trận vòng bảng, đã tỏ ra vất vả và lúng túng vô cùng khi đá trong sơ đồ hai trung vệ. Barzagli, trung vệ hay nhất Serie A trong hai năm qua, chưa bao giờ gặp khó khăn và chơi yếu ớt đến thế, đến mức, Prandelli buộc phải đẩy anh ra ngoài đội hình một trận. Thứ hai, với sơ đồ ba trung vệ, cách đây một năm, Italia đã khởi đầu EURO 2012 bằng trận hòa 1-1 với Tây Ban Nha ở vòng bảng, một trận đấu mà các chàng trai Thiên thanh đã chơi rất tốt, trong sơ đồ 3-4-1-2. Tháng 8/2011, Italia cũng đã hạ Tây Ban Nha 2-1 trong một trận giao hữu ở Bari với ba trung vệ trên sân.
Nếu như ở EURO 2012, ba trung vệ là phương án tối ưu mà Prandelli đã lựa chọn cho đội hình xuất phát của Italia, thì ở Confederations Cup một năm sau, là phương án khác, với bốn hậu vệ và theo một tư duy thiên hơn nữa về tấn công của Prandelli. Phương án thiên về công của Prandelli khiến Italia lột xác, dâng cao hơn, tăng tốc độ chơi và chủ động tấn công hơn, với việc Italia ghi được 9 bàn trong vòng bảng.
Nhưng 8 bàn thua, như một cái giá phải trả cho xu hướng quá mất cân bằng ấy, là một cảnh báo rõ ràng cho thấy, để đối đầu với Tây Ban Nha, người Ý không thể vứt đi kĩ năng phòng ngự và sự tập trung tối đa, thứ vũ khí truyền thống đã từng giúp họ lên đỉnh cao thế giới. Vấn đề nằm ở chỗ, trong quá trình thiên về tấn công mà Prandelli đã áp dụng cho Italia, tư duy ấy đã trở nên nhạt nhòa, và giờ đây, chơi phòng ngự nhiều hơn trước Tây Ban Nha, chuyên gia cầm bóng giỏi nhất thế giới, là điều không đơn giản. Nhưng họ có thể làm được, khi nỗi ám ảnh từ thảm bại 0-4 ở trận chung kết EURO 2012 trên sân Kiev vẫn còn nhức nhối và trở thành một động lực lớn lao cho những người Italia.
Không phải mọi thứ đã trở nên quá tệ. Trong khi bây giờ Tây Ban Nha lại dùng một trung phong cắm (một năm trước, họ bố trí một số 9 ảo, Fabregas) thì Italia đi theo hướng ngược lại: tăng cường hàng tiền vệ, với việc đưa vào phía sau trung phong cắm duy nhất hai tiền vệ sáng tạo có nhiệm vụ kết nối với các tiền vệ còn lại, hỗ trợ tiền đạo và quấy phá hàng thủ đối phương. Sự xuất sắc của những người ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho tuyến dưới. Tin vui cho những tifosi là Pirlo kịp bình phục và sẽ ra sân trong trận bán kết. Sức mạnh của người Ý bây giờ không nằm ở hàng thủ nữa, mà là ở tuyến giữa, với sự tỏa sáng của khối Juve gồm Pirlo, Giaccherini và Marchisio.
Nhưng như Fabrizio Bocca, một trong những chuyên gia hàng đầu về bóng đá Ý nhận xét, vấn đề lớn nhất của Italia ở giải này là sự tập trung, khả năng kèm người và phòng ngự bóng chết. Những khoảng thời gian mất bóng và hỗn loạn trong phòng ngự diễn ra dài hơn, thường xuyên hơn, và ở trận gặp Tây Ban Nha, nguy cơ ấy có thể tái diễn, thậm chí ngay trong hiệp 1.
Ở hiệp 1 trận gặp Brazil, Italia chơi co cụm toàn diện, chỉ chiếm bóng 26% và không sút nổi một lần vào khung thành. Họ chỉ bùng lên ở hiệp 2, khi đã bị dẫn trước. Liệu Tây Ban Nha có để cho họ bùng lên như thế, một khi họ biết cách kìm hãm khả năng cầm bóng của Italia? Và nữa, cũng với ba trung vệ, chẳng phải Italia đã thua Tây Ban Nha đến 0-4 ở trận chung kết đó sao?