Tây Hồ xây dựng 8 điểm du lịch trọng điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch trong năm 2016, quận Tây Hồ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hồ Tây, phối hợp với các đơn vị thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan.

Đó là thông tin được lãnh đạo quận Tây Hồ nhấn mạnh trong cuộc làm việc với Sở Du lịch Hà Nội về rà soát, triển khai thực hiện các điểm du lịch trên địa bàn vừa qua.
Khách quốc tế tham quan chùa Trấn Quốc, Hồ Tây. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khách quốc tế tham quan chùa Trấn Quốc, Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, trong những năm qua, hoạt động quảng bá du lịch luôn được coi là một lĩnh vực hàng đầu. Cùng với các chương trình, đề án như: Chương trình 02-CTr/QUTH về việc “Quản lý, khai thác Hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2015 – 2020”, Đề án “Phát triển trồng sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”; “Phát triển dịch vụ câu cá giải trí tại hồ Ao Vả”; “Phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch trên mặt nước và xung quanh Hồ Tây”, quận Tây Hồ đã quy hoạch và đầu tư phát triển các điểm du lịch trọng điểm, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống; quy hoạch chợ hoa Quảng An như đầu mối có tính chuyên doanh về hoa; tu bổ, tôn tạo hầu hết các di tích trên địa bàn; thực hiện các tuyến đường phát triển du lịch…  Hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây cũng góp phần nâng cao giá trị Hồ Tây, hệ thống xe điện quanh Hồ Tây được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, các hoạt động du lịch của quận vẫn còn tự phát, độc lập và đơn lẻ; hoạt động du lịch lữ hành chưa phát triển, chưa có tổ chức hướng dẫn tham quan cũng như kết nối các điểm thành tour du lịch; sự liên kết hoạt động du lịch giữa các công ty du lịch, các điểm du lịch của các vùng phụ cận khác chưa có nhiều; đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch còn thấp, chưa thu hút mạnh mẽ các DN đầu tư.

Để tạo ra một sự “bứt phá” mạnh mẽ cho du lịch, trong năm 2016, quận Tây Hồ triển khai xây dựng 8 điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn quận như: “Thưởng thức trà sen Quảng An”; “Hồ bơi Quảng Bá”; “Thung lũng hoa”; “Bãi đá Sông Hồng”; du lịch sinh thái “Bãi giữa sông Hồng”; “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình sản xuất làng nghề giấy Dó”; du lịch văn hóa phố Trịnh Công Sơn; “Thuyền buồm trên Hồ Tây”. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng gợi mở thêm, quận nên khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch gắn với các loại hình nghệ thuật, với các ngành nghề truyền thống; rà soát các điểm du lịch, các di tích, danh thắng, sự kiện văn hóa, ẩm thực nhằm kết nối, gắn với các sự kiện của Sở Du lịch và của TP; tổ chức định kỳ lễ hội ẩm thực và văn hóa đường phố gắn với sản phẩm làng nghề nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Tây Hồ.

Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Quận rất mong muốn TP bố trí ngân sách để thực hiện dứt điểm các hạng mục liên quan đến Hồ Tây như xử lý nước thải, hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện thủ tục đề nghị Chính phủ công nhận Hồ Tây là di sản danh thắng quốc gia. Cùng với đó, quy hoạch các điểm dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận gắn với điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long và các tour du lịch trong TP; có cơ chế hỗ trợ quận trong phát triển du lịch và tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư, cá nhân tổ chức tham gia lĩnh vực du lịch… Điều đó sẽ góp phần tăng sức hút cho du lịch Tây Hồ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần