Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT cho biết, theo định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có dự kiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa với chiều dài khoảng 169km, khổ 1.435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trong giai đoạn sau 2020.
"Bộ GTVT ủng hộ kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk về việc sớm đầu tư tuyến đường sắt nêu trên. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và các bộ, ngành có liên quan để kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư sớm" - Bộ GTVT khẳng định.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong điều kiện hiện nay, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công hết sức khó khăn, Bộ GTVT đang tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ như Quốc lộ 19 từ Bình Định đi Gia Lai, Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, Quốc lộ 25 từ Phú Yên đi Gia Lai.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa đã được nhắc đến nhiều lần trong thời gian qua. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của địa phương nhằm giảm áp lực cho đường bộ, góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ xuất phát từ ga Phú Hiệp (huyện Đông Hòa, Phú Yên) đi qua các huyện Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) sang huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với 8 ga để lên Buôn Ma Thuột. Tuyến đường này sẽ nối với tuyến đường sắt dọc Tây Nguyên từ Kon Tum sang Đà Lạt (đã được đưa vào quy hoạch).
Đây là tuyến đường sắt nằm trong quy hoạch tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên (Đắk Nông - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài khoảng 550km; Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 169km; Đắk Nông - Bình Thuận dài khoảng 121km).