Tẻ nhạt và hài hước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, đúng Rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mặc dù đây là mùa thơ thứ 12, nhưng khâu tổ chức và những tiết mục hiện diện trong chương trình khá "nghèo" và tẻ nhạt.

Một số hoạt động bên lề như triển lãm ảnh, tiểu sử của các nhà thơ, những hiện vật thời chiến còn đơn điệu, chưa gây được sự chú ý của công chúng yêu thơ.

Sân thơ trẻ “đánh rơi bản sắc”

Sân thơ trẻ năm nay thiếu sức hút và không gây được ấn tượng. Chất lượng thơ không đồng đều, thậm chí bị cho là yếu nhất so với mặt bằng thi ca được trình diễn trong suốt những năm qua. Một phần là do vắng bóng những cây thơ tên tuổi trên thị trường sách và facebook như Lương Đình Khoa, Nguyễn Phong Việt, Vũ Thiên Kiều, Hoa Níp, Trịnh Sơn... Phần nữa là "lý do tế nhị" như một thành viên trong ban tổ chức sân thơ trẻ năm nay cho biết: Không "mới" và "chuẩn" được vì liên quan đến vấn đề kinh phí hỗ trợ cho các tác giả, đặc biệt là những nhà thơ ở khu vực phía Nam.
Thả thơ tại Ngày thơ Việt Nam.	Ảnh: Chiến Việt
Thả thơ tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Chiến Việt
 
Năm nay, các tác giả "vô danh" do Hội Văn học nghệ thuật địa phương tiến cử cho Sân thơ trẻ đã được Ban Nhà văn trẻ chấp nhận, thậm chí danh sách liên tục thay đổi và chỉ được chốt 2 ngày trước khi Ngày thơ khai màn. Việc chuẩn bị và tập luyện chểnh mảng khiến những tổ khúc được trình bày dưới bình phong đọc thơ tương tác tại Sân thơ trẻ không thể có được tình cảm của công chúng yêu thơ. Những tổ khúc như "Xuân trầm tích", "Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân" và "Mùa xuân của mẹ" rời rạc, chẳng làm lay động được tình yêu biển đảo của người nghe khi nhìn trong một chủ đề lớn "Từ Điện Biên tới Hoàng Sa, Trường Sa". Đấy là chưa kể, một số tác giả "tóc hai màu" (xấp xỉ 50 tuổi) cũng được giới thiệu như một gương mặt mới tại Sân thơ trẻ khiến nhiều người tham dự buồn cười. Công tác tổ chức mang hơi hướng phong trào làm nhiều người thất vọng khi sự chờ đợi bùng nổ ở Sân thơ trẻ không như kỳ vọng. Trước đó, từ chối tham gia Sân thơ trẻ với lý do chính là "ốm", song nhà thơ Vi Thùy Linh cũng không giấu lý do bên lề là bị sắp xếp làm "hoạt náo viên" cho chương trình và không muốn đứng chung với những tác giả không tên tuổi. Đây phải chăng cũng là một lời "đánh tiếng" đến Sân thơ trẻ năm 2014? 

Sân thơ trẻ vừa trở lại đúng với tên gọi ban đầu vào năm ngoái (trước đó được mang tên khác), nhưng lại thiếu đi sự hấp dẫn. Đánh mất bản sắc của mình, Sân thơ thơ trẻ 2014 đã "lẫn" vào phong trào chung, chưa cất lên được tiếng nói nhọn sắc, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong khát vọng mùa xuân, tình yêu và biển đảo.

“Năm nào cũng tổ chức thì lấy đâu ra cái mới”

Tại sân thơ chính, sân thơ truyền thống, mang chủ đề chung của Ngày thơ 2014 "Mùa xuân, đất nước", để lại ấn tượng tốt với những bài thơ về biển đảo, tình yêu, về chiến tranh biên giới được các nhà thơ già như Anh Ngọc, Trần Quang Quý, Chu Thị Thơm… thay phiên nhau đọc. Xen kẽ, những tiết mục biểu diễn thơ, múa và nhạc của các hội văn nghệ địa phương, giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên cũng làm cho không khí tại sân thơ này sôi nổi hơn.

PGS Văn Giá - Trưởng Khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hóa) đã có những ý kiến khá thẳng thắn khi nhận xét về Ngày thơ 2014. Ông cho biết đã góp ý với nhiều vị trong Ban chấp hành Hội Nhà văn rằng hãy nên học tập theo các cụ ngày xưa. Hội làng được chia ra làm 2 loại: Hội chính và hội lệ. Hội chính thì cứ 3 - 5 năm tổ chức một lần cho đầy đủ nghi thức hoành tráng; còn hội lệ thì chỉ có mâm lễ, các quan viên, các bô lão thay mặt dân làng dâng lên đình cầu cho dân làng mạnh khỏe, an ninh, mùa màng tươi tốt. "Thế thôi. Chứ cứ như Hội thơ hiện nay, năm nào cũng "hoành" như thế này mệt lắm! Nhưng mệt có thể chịu được. Còn chuyện nội dung nữa, phải có cái gì mới nữa chứ. Mà năm nào cũng tổ chức thì lấy đâu ra cái mới. Lại... Nguyễn Y Vân".Vậy là người yêu thơ lại phải chờ đợi và kỳ vọng vào mùa thơ năm sau.