Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Techcombank và chiến lược kinh doanh ngược xu hướng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất từ trước đến nay với gần 5.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần thu nhập khác chủ yếu từ các hoạt động bất thường như bán công ty tài chính Techcom Finance và thu hồi nợ đã xử lý rủi ro tín dụng.

Hơn 40% doanh thu đến từ khoản thu ngoài lãi
Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt 8.659 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, trong đó, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt hơn 5.000 tỷ đồng và hơn 40% doanh thu còn lại đến từ khoản thu ngoài lãi. Đến cuối quý II/2018 dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank đạt 166.700 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng của Techcombank có sự thay đổi đáng kể khi vay ngắn hạn tăng từ 25% lên 53%, còn vay trung - dài hạn giảm về 57%. Trong đó, ngân hàng này đạt gần 1.200 tỷ đồng thu từ phí, 940 tỷ đồng lãi ròng từ tài sản tài chính và gần 1.500 tỷ đồng thu nhập khác. Phần thu nhập khác chủ yếu từ các hoạt động bất thường như bán công ty tài chính Techcom Finance (gần 900 tỷ đồng) và thu hồi nợ đã xử lý rủi ro tín dụng (471 tỷ đồng).
 6 tháng đầu năm 2018, Techcombank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất từ trước đến nay.
Việc các khoản thu bất thường năm nào cũng đóng góp lớn vào thu nhập cũng như lợi nhuận ngân hàng khiến nhiều người đặt câu hỏi nếu không có các khoản này, Techcombank có đạt mục tiêu đề ra? Năm 2017, khoản thu phí từ hoạt động liên kết bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance) với Manulife cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng này. Nửa đầu năm 2017, các khoản thu bất thường này là thu từ công ty tài chính Techcom Finance và thu hồi nợ đã xử lý rủi ro tín dụng. “Những khoản thu này chỉ là "bất thường" với nhà đầu tư. Nói là lợi nhuận bất thường nhưng năm nào Techcombank cũng có những khoản này với quy mô tương tự và nằm trong kế hoạch" - Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ.

"Chiến lược từ nay đến năm 2020 của Techcombank là 40 - 50% doanh thu sẽ đến từ nguồn ngoài lãi cho vay. Như vậy, mức độ bền vững của ngân hàng và bền vững của doanh thu sẽ cao hơn." - Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh

Ngược xu hướng

Trong khi các ngân hàng khác “hốt bạc” từ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro cao như tài chính tiêu dùng thì Techcombank lại “ngược đường”, đứng ngoài xu hướng này và tiếp tục trung thành với mô hình rủi ro thấp khi bán công ty tài chính và tập trung vào các khoản thu nhập ngoài lãi.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh, chiến lược của ngân hàng này hiện tại và trong tương lai là cân bằng giữa khoản thu từ lãi và ngoài lãi. Dự kiến nguồn thu không từ tín dụng sẽ chiếm khoảng 40 - 50% tổng thu nhập hoạt động của Techcombank thời gian tới. Với hoạt động tín dụng, gần một nửa thu nhập lãi thuần của Techcombank đến từ các khách hàng cá nhân với phân khúc khách hàng có tài sản đảm bảo, chủ yếu là vay mua nhà và ô tô.

Theo đúng chiến lược, ngân hàng tiếp tục chuyển từ cho vay trung, dài hạn sang cho vay ngắn hạn. Tăng trưởng dư nợ của ngân hàng ở mức gần 5% so với cuối năm 2017, với dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/6 đạt khoảng 166.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng 39%, DN nhỏ và vừa chiếm 15%, DN lớn chiếm 46%. Tăng trưởng tiền gửi là 9% so với cuối năm 2017, đạt 186.300 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn chiếm 25% trên tổng tiền gửi. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 15,9%, cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về các sản phẩm tập trung phát triển trong thời gian tới, đối với khách hàng cá nhân, Techcombank phát triển sản phẩm cho vay nhà và ô tô nhưng không phải cho vay tiêu dùng mà cho vay để ở và vay có tài sản đảm bảo. Với khách hàng DN nhỏ và vừa và khách hàng DN lớn, Techcombank tập trung các sản phẩm phục vụ cho các giao dịch ngân hàng như nhu cầu xuất nhập khẩu, truy thu, thu tiền…