Techcombank và hành trình vượt trội mỗi ngày

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù lọt Top 270 thương hiệu ngân hàng có giá trị toàn cầu song lãnh đạo Ngân hàng TMCP Techcombank cho biết, không quá đặt nặng vấn đề giá trị thương hiệu mình phải đứng bao nhiêu.

“Điều chúng tôi hướng tới là sự hài lòng của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư. Chúng tôi luôn mong muốn khách hàng, đối tác, nhà đầu tư vượt trội hơn mỗi ngày để thành công” - bà Thái Minh Diễm Tú, Giám đốc Khối Tiếp thị Techcombank nhấn mạnh.
Mùa quả ngọt từ những chính sách “ngược dòng”

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Techcombank báo lãi trước thuế gần 17.100 tỷ đồng, xếp thứ hai toàn ngành chỉ sau Vietcombank và bỏ xa hai ngân hàng gốc quốc doanh đứng kế sau là BIDV (hơn 10.700 tỷ đồng) và VietinBank (hơn 13.900 tỷ đồng). Đáng chú ý, lợi nhuận Techcombank cao vượt trội so với VietinBank và BIDV dù doanh thu thuần của ngân hàng này kém xa.
 Những chính sách ''ngược dòng'' đã mang lại ''mùa quả ngọt'' cho Techcombank, để ngân hàng tiếp tục thành công trong hành trình ''vượt trội mỗi ngày''.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm tổng nguồn thu của Techcombank ở mức hơn 26.917 tỷ đồng, trong khi VietinBank và BIDV đạt lần lượt gần 39.261 tỷ đồng và 47.144 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu của Techcombank kém VietinBank 46% và BIDV là 75%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng luôn được duy trì ở mức thấp là một nguyên nhân khiến Techcombank có được mức lợi nhuận trước thuế cao vượt trội. Với 19.135 tỷ đồng lợi nhuận thuần, ngân hàng này chỉ dùng hơn 2.037 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro (tương đương 10,6%).

Techcombank cũng là ngân hàng kiên định với mô hình rủi ro thấp và ghi dấu ấn bởi những chính sách ngược dòng.

Năm 2017, trong khi các ngân hàng khác “hốt bạc” với tài chính tiêu dùng thì Techcombank bán Công ty Tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card. Quyết định “ngược đường”, đứng ngoài xu hướng này được lãnh đạo Techcombank giải thích là do ngân hàng này tiếp tục trung thành với mô hình rủi ro thấp, tập trung vào các khoản thu nhập ngoài lãi. “Chiến lược của Techcombank hiện tại và trong tương lai là cân bằng giữa khoản thu từ lãi và ngoài lãi. Như vậy, mức độ bền vững của ngân hàng và bền vững của doanh thu sẽ cao hơn” - lãnh đạo Techcombank thời đó nhấn mạnh.

Trước đó, cuối quý III/2016, Techcombank cũng thực hiện một cú "ngược dòng" khi tung ra thị trường chính sách Zero Fee (phí bằng 0) với các giao dịch trực tuyến. Thời điểm đó, chiến lược mà nhiều ngân hàng đang theo đuổi là tăng tỷ trọng từ thu phí dịch vụ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng, "Zero Fee" có vẻ đi theo chiều ngược lại.

Chính sách ngược dòng, bỏ qua một khoản thu không nhỏ này đã mang lại cho Techcombank những mùa quả ngọt. Tính riêng trong năm 2017, tổng thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt của Techcombank đạt 1.465 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí, lãi thuần từ hoạt động này xấp xỉ 1.188 tỷ đồng, nhích nhẹ so với kết quả năm trước. Và chính sách này cho đến nay vẫn là một trong những nguyên nhân khiến hàng triệu khách hàng muốn gắn bó với Techcombank.

Mới đây, Techcombank đã thực hiện thành công việc huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trị giá 800 triệu USD, với quy mô và cấu trúc mang tính vượt trội đối với thị trường ngân hàng tại Việt Nam. Đến nay, khoản vay của Techcombank là khoản vay có giá trị lớn nhất cho một định chế tài chính của Việt Nam trên thị trường vay hợp vốn quốc tế. Thành công vượt trội của giao dịch tái khẳng định sự tin tưởng và tín nhiệm của thị trường đối với Techcombank, đặc biệt vào chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm và hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ của Techcombank.

Ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Tập đoàn kiêm Giám đốc Khối Chiến lược & Phát triển của Techcombank cho biết: “Thành công của khoản vay hợp vốn này xét về quy mô, cơ cấu và kỳ hạn cùng với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư là minh chứng cho việc các tổ chức tín dụng quốc tế, dù trong bối cảnh thách thức của đại dịch Covid-19, vẫn luôn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Techcombank và Việt Nam. Với nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào này, Techcombank sẽ luôn có thể sẵn sàng hỗ trợ cho các nhu cầu vay vốn trung và dài hạn ngày càng gia tăng của khách hàng.”

Trọng tâm hàng đầu là nhân viên được an toàn, khách hàng được hỗ trợ

Giữa những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Techcombank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong hoạt động trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11,5 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được ngân hàng tái cấu trúc cho khách hàng. Ngân hàng cũng đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021.

Để giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, chỉ trong 8 tháng, Techcombank đã đóng góp gần 425 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như ủng hộ quỹ vaccine, trang thiết bị y tế, đóng góp xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 cũng như hỗ trợ trực tiếp tới các bệnh nhân và gia đình của họ. Tức trung bình, tính từ tháng 2 đến tháng 10/2021, ngân hàng này dành tới hơn 50 tỷ đồng mỗi tháng cho hoạt động này.

“Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài và kinh tế bị gián đoạn, trọng tâm hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo cho cán bộ nhân viên được an toàn, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tiếp tục đẩy nhanh các giải pháp số hóa và từ xa để tiếp tục cung cấp dịch vụ an toàn, hiệu quả nhất có thể. Chúng tôi tin rằng với nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng tại Việt Nam, thời điểm khó khăn nhất đã qua đi và Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch” - Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho hay.

Cũng theo đại diện ngân hàng này, trách nhiệm xã hội không chỉ ở các nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, mà còn ở việc xây dựng và cung cấp những giải pháp tài chính, dịch vụ tối ưu như “chìa khóa” cho khách hàng mở ra các hướng xử lý, thích nghi, giảm thiểu những tác động bất lợi từ đại dịch.

Về giá trị thương hiệu, năm 2021, giá trị thương hiệu Techcombank đã tăng đến 30% năm 2021 và vào top 270 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu, do Brand Finance xếp hạng. Đây là một mức tăng trưởng đáng nể, song đã đúng với kỳ vọng của Techcombank. Tuy nhiên, theo Giám đốc Khối Tiếp thị Techcombank - Thái Minh Diễm Tú, ngân hàng không quá đặt nặng vấn đề giá trị thương hiệu mình phải đứng bao nhiêu, điều chúng tôi hướng tới là sự hài lòng của khách hàng, đối tác, nhà đầu tư. “Tôi luôn muốn tôi của ngày hôm nay phải tốt hơn tôi của ngày hôm qua và vượt trội hơn mỗi ngày” - bà Tú cho biết.

"Chúng tôi không chọn chiến lược đi dàn hàng ngang. Phương châm của Techcombank là chỉ phục vụ các khách hàng tốt. Đó là những khách hàng mạnh và uy tín, có sản phẩm hàng đầu trên thị trường để xây dựng các mô hình quản trị rủi ro tốt, chứ không dàn hàng ngang với nhiều khách hàng lớn, dàn trải mà thiếu kiểm soát."- Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh

Những chính sách "ngược dòng" đã mang lại "mùa quả ngọt" cho Techcombank, để ngân hàng tiếp tục thành công trong hành trình "vượt trội mỗi ngày".