Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tết ấm áp trong những căn nhà mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vậy là một mùa xuân lại về rộn ràng khắp phố phường Hà Nội. Và trong không khí hân hoan đón năm mới, các gia đình sinh sống tại các khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp như náo nức hơn khi chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, yên bình trong tổ ấm mới.

Háo hức đón Xuân

Tuy sống trong các dự án nhà mang tên "thu nhập thấp", nhưng đa phần cư dân ở đây là cán bộ, công chức, nên dễ hiểu và gần gũi trong quần thể ngôi nhà chung. Chuyển về nhà thu nhập thấp Đặng Xá từ tháng 6/2012, chị Thu Giang (phòng 207 - C1D4) vẫn chưa quên cái Tết đầu tiên ấm cúng bên chồng con trong căn hộ mới mua. Tuy hai bên nội ngoại đều ở khu vực lân cận, vợ chồng chị vẫn quyết ở lại nhà mới đón Tết.

Những bộ ấm chén, bát đĩa mới mua, các đồ đạc vật dụng trong gia đình đều tự tay hai vợ chồng sắm sửa, thêm vài bình hoa tươi, cùng cành đào khoe sắc trong phòng khách, cảm giác của chị thật bồi hồi khó tả. Đặc biệt, trong đêm Giao thừa năm ngoái, khu nhà Đặng Xá có tổ chức bắn pháo hoa, khiến các cư dân cảm thấy phấn khích. Đón Tết Giáp Ngọ, gia đình nhỏ của chị Giang vẫn quyết định ở lại đón Tết, để giữ ngọn lửa ấm cúng trong căn hộ.

 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đến thăm và tặng quà các hộ dân sống tại nhà thu nhập thấp Đại Mỗ, huyện Từ Liêm nhân dịp Tết Giáp Ngọ. Ảnh: Song Hà
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đến thăm và tặng quà các hộ dân sống tại nhà thu nhập thấp Đại Mỗ, huyện Từ Liêm nhân dịp Tết Giáp Ngọ. Ảnh: Song Hà
 
Những năm gần đây, Hà Nội đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà dành cho người có thu nhập thấp. Hiện có 4 dự án đã được đưa vào sử dụng, gồm nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Kiến Hưng (quận Hà Đông) và Đại Mỗ (huyện Từ Liêm). Ngoài ra, một dự án đang trong quá trình bàn giao là nhà thu nhập thấp Sài Đồng, quận Long Biên.
Nhận nhà từ tháng 3/2013, đây là cái Tết đầu tiên đối với các cư dân sinh sống tại chung cư thu nhập thấp Đại Mỗ. Gia đình nào cũng háo hức ở lại nhà mới đón Tết. Những ngày này, gia đình chị Trang (phòng 805 - CT2) luôn bận rộn với các món đồ gỗ, đồ trang trí, tranh, đèn chùm, hoa tươi, nhằm tô điểm thêm cho căn hộ tươi sáng. Dù phải vay mượn, nhưng gia đình chị mong mỏi được đón Tết trong căn hộ ấm cúng.

Bận rộn với công việc cuối năm, lại tranh thủ về quê ở xa, gia đình anh Đức Trí (phòng 603 - CT2, Đại Mỗ) hẹn quay trở lại Hà Nội đón Tết. "Hơn 10 năm đi thuê nhà, chưa bao giờ tôi có cơ hội đón Tết ở Thủ đô. Hai vợ chồng đều quê ở Nghệ An, nên năm nay tôi bàn với vợ tranh thủ về quê trước Tết. Thật may, tôi vừa mua được vé tàu, có thể quay lại Hà Nội vào sáng 30 Tết, để cả gia đình có thời gian đi mua sắm, đón Tết ngay trong chính ngôi nhà thân yêu. Lần đầu tiên mua được căn nhà riêng cho mình nên cả gia đình tôi hết sức phấn khởi. Cái Tết đầu tiên ở căn nhà mới càng ý nghĩa hơn" - anh Trí chia sẻ.
Còn đó những băn khoăn

Dù đã đưa vào sử dụng một thời gian, nhưng một số khu nhà thu nhập thấp vẫn chưa thể lấp đầy. Sau khi bốc thăm mua được nhà, nhiều người đã trả lại. Thậm chí, mới đây, một gia đình đã trả lại căn hộ ở tòa CT1 (nhà Đại Mỗ) cho chủ đầu tư. Có thể họ nghèo, không thể xoay xở nổi những món tiền cuối cùng. Cũng có thể, họ so sánh và nhận thấy, căn nhà xã hội được mua, giá không thấp hơn nhà thương mại, không còn phù hợp với nhu cầu gia đình, trong khi nhiều điều kiện ràng buộc trong quá trình sử dụng.

 
Khu nhà ở xã hội Việt Hưng. Ảnh: Ánh Tâm
Khu nhà ở xã hội Việt Hưng. Ảnh: Ánh Tâm
Anh Nam, mua được căn hộ có diện tích 68,9m2 cho hay, với số tiền mua nhà hơn 900 triệu đồng, trong khi không thể vay được ngân hàng, mỗi tháng anh phải "bóp miệng" trả tiền lãi suất vay bên ngoài tới 10 triệu đồng. Đây là điều rất cố gắng của hai vợ chồng công chức phải nuôi hai con nhỏ.

Chị Thúy Ninh (phòng 1105 - CT2 Đại Mỗ), một trong những hộ được chủ đầu tư ưu ái cho nhận nhà và chuyển về sớm nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chị vẫn canh cánh trong lòng về khoản nợ cuối cùng chưa nộp cho chủ đầu tư, khoảng 60 triệu đồng. Trong khi, khoản lãi trả chậm bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ngoài ra, trước đó chị còn nhờ bố mẹ ở quê thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để chị đóng tiền nhà theo tiến độ. Căn hộ 65m2 với số tiền gần 860 triệu đồng quả là gánh nặng với mức lương 5 triệu đồng/tháng của giáo viên tiểu học đơn thân phải nuôi 2 con nhỏ. Nếu không nhờ sự trợ giúp phần nào từ bố mẹ, có lẽ không bao giờ chị có thể mơ mua được căn hộ chung cư ở Hà Nội. Đón Tết trong nhà mới, chị vừa vui, nhưng chưa hết âu lo, đến bao giờ mới trả xong các khoản nợ nần.

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đến thăm và chúc Tết các hộ dân sinh sống ở trong các khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp khiến cư dân cảm thấy vui và phấn khởi, khi nhà ở xã hội ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.

Những ngày áp Tết Nguyên đán, thêm một băn khoăn từ cư dân Đại Mỗ, khi xí nghiệp vận hành vừa dự thảo thu phí dịch vụ chung cư lên tới 3.500 đồng/m2, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng nhà ở xã hội, thậm chí cao hơn so với các chung cư thương mại ở khu vực lân cận. Anh Phan Xuân Đọc - Trưởng ban đại diện lâm thời của tòa nhà Đại Mỗ chia sẻ: "Nhà thu nhập thấp Đại Mỗ hiện đang giá tạm tính, quá cao so với mặt bằng nhà ở xã hội, thậm chí cao hơn so với một số chung cư thương mại. Mong sao nhà thu nhập thấp trở về đúng nghĩa với giá trị và tên gọi của nó, đồng thời, chất lượng xây dựng phải tương xứng với giá nhà".

 
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) về kết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết cho 13 doanh nghiệp và 1.764 khách hàng cá nhân vay với tổng số tiền 1.759 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân 304 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp, 5 ngân hàng đã giải ngân cho 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, tổng số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng lên tới 732,5 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 170 tỷ đồng trong vòng nửa cuối của tháng 12/2013.