Tết ấm của người lang thang

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người lang thang xin tiền được các cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động tập trung đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để khám sức khỏe, chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão ấm cúng, vui vẻ.

Cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động tiếp cận và tập trung đối tượng người lang thang xin tiền về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh  
Cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động tiếp cận và tập trung đối tượng người lang thang xin tiền về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh  

Gian nan tập trung người lang thang xin tiền về Trung tâm

Tết Nguyên đán Quý Mão cận kề cũng là thời điểm các đối tượng lang thang xin tiền ở ngã tư đường phố, đình, chùa có dấu hiệu gia tăng trở lại. Xuyên đêm theo chân Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đi khảo sát người lang thang trên các đường phố Hà Nội mới thấy nỗi nhọc nhằn của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Tại khu vực ngã tư phố Hai Bà Trưng – Quán Sứ, đội phát hiện có một đối tượng đang ngồi co ro bó gối trên vỉa hè, sát với lòng đường. Người đàn ông khoác bao tải lên người, bên cạnh là chiếc rổ nhựa bên trong có những đồng tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng… xin được của người đi đường.

Các cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội tiếp cận đối tượng lang thang xin tiền, thông báo người này đã vi phạm Quyết định số 6053/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội và mời lên xe ô tô. Đồng thời, chở đối tượng về Trụ sở Công an phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm để lập biên bản với sự chứng kiến của Công an phường; trước khi đưa về Trung tâm để thăm khám, kiểm tra sức khỏe, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Người đàn ông lang thang xin tiền tên là Đinh Văn Thạch, sinh năm 1958, dân tộc Mường, có địa chỉ thường trú ở xã Vị Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Tôi ly dị vợ, có hai con gái đã lấy chồng. Cách đây một tháng, tôi bị trượt chân ngã xuống hố, liệt một bên tay, chân đau, sau đó lại bị tai biến. Vì không có đồ ăn, cách đây vài ngày, tôi bắt xe xuống Hà Nội để nhận đồ từ thiện và xin tiền của người đi đường, buổi tối đắp chăn ngủ ở vỉa hè”.

Để tiếp cận được đối tượng lang thang xin tiền và mời họ về Trung tâm là điều không dễ đối với các cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động. Bởi họ phải đi khảo sát, theo dõi từng hành động của đối tượng, ghi được hình ảnh người đó xin tiền thì mới tiếp cận, tập trung và mời về Trung tâm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động, một trong những người trực tiếp phát hiện đối tượng Đinh Văn Thạch cho hay: “Ngày nào, chúng tôi cũng đi các tuyến phố khảo sát đối tượng, kể cả những hôm mưa rét. Có trường hợp chúng tôi phát hiện được người lang thang xin tiền, báo về Trung tâm, khi xe ô tô đi gần đến nơi thì đối tượng được bảo kê đưa đi mất”.

Tổ chức đón Tết cho người lang thang

Sau một thời gian tạm lắng, thời điểm này, các đối tượng lang thang có dấu hiệu gia tăng trở lại, ngày càng biến tướng và tràn ra vỉa hè, xuống tận lòng đường để xin tiền người đi đường. Anh Nguyễn Kim Hiển – Đội phó Đội Trật tự xã hội lưu động cho biết: Các đối tượng lang thang xin tiền tập trung chủ yếu ở vỉa hè, ngã tư lòng đường – nơi mọi người đi ô tô, xe máy đang dừng lại chờ đèn xanh để xin tiền.

Nguy hiểm hơn, đối tượng bảo kê, chăn dắt còn lợi dụng người già, trẻ nhỏ để lợi dụng lòng trắc ẩn của người dân cho tiền nhiều hơn. Một vấn đề nữa là những người đi xin tiền ngày giáp Tết thì lợi nhuận rất lớn, một ngày có người xin được vài triệu đồng. Vì thế, ngoài những người lang thang xin tiền tự phát do bản thân thực sự khổ thì còn có các đối tượng được bảo kê, chăn dắt đến ngã tư xin tiền để làm giàu bất chính.

“Về vấn đề này, Đội Trật tự xã hội lưu động tăng cường vận động anh em kiểm tra địa bàn phát hiện và nâng cao kỹ năng của mình. Khi nghi vấn đối tượng có bảo kê chăn dắt thì anh em phối hợp, báo cáo về lãnh đạo Trung tâm để bổ sung thêm người và cùng phối hợp với lực lượng chính quyền địa phương tập trung đối tượng. Chúng tôi cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền có chế tài xử lý mạnh tay đối tượng chăn dắt người đi xin tiền” – ông Nguyễn Kim Hiển cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng cho biết, mỗi năm, đơn vị tiếp nhận trên dưới 500 lượt người lang thang xin tiền. Thời điểm này, Trung tâm có 39 đối tượng mới vào trong vòng một tháng nay, đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Nguyễn Văn Quảng cũng thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho các đối tượng đảm bảo ý nghĩa và đầm ấm, sum họp. Trung tâm tổ chức các hoạt động tập trung để chào mừng Tết như thăm hỏi động viên, chúc Tết và mừng tuổi cho tất cả các đối tượng. Trong những ngày Tết, các đối tượng còn được chơi cầu lông, cờ tướng, kéo co…

Những ngày này, khi nền nhiệt độ ở Hà Nội đang xuống thấp thì hàng ngày từ 7 giờ đến 22 giờ, các cán bộ, nhân viên Đội Trật tự xã hội lưu động vẫn tăng cường đi kiểm tra, khảo sát nhiều tuyến đường phố để phát hiện người lang thang xin tiền, rồi đón về Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và đón Tết. Công việc này rất đỗi gian nan, vất vả và thậm chí đối mặt với nguy hiểm (có lúc bị cò mồi hành hung, đối tượng chống trả, tiếp xúc với người có mầm bệnh HIV), tuy nhiên vì một TP Hà Nội văn minh, thanh lịch và đảm bảo an sinh xã hội, không có người lang thang nên mọi người đều cố gắng thực hiện tốt công việc của mình.

Valid: True