Tết Đoan Ngọ và những điều cần biết

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (30/5), tức 5/5 âm lịch, theo phong tục cổ truyền ngày này là Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi ngày giết sâu bọ duy nhất trong năm.

Làm gì trong ngày Tết Đoan Ngọ?

Gọi là Tết nên đều có sự cúng lễ tổ tiên. Ngoài ra Tết Đoan Ngọ có tục lệ đặc biệt là: Sáng sớm nhà nào cũng phải có bát rượu nếp cẩm hoặc nếp thường cùng với trái cây có vị chua. Trong dân gian thường hay chọn mận hậu, mận cơm, đào hoặc vải thiều thắp hương buổi sáng xong và thừa lộc trước khi ăn sáng để giết sâu bọ.

Theo tục truyền, sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ, xoa chanh lên mặt trước khi rửa mặt buổi sáng.
 Cái rượu nếp và trái cây để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Giết sâu bọ ở đây đối với con người là để bài trừ bệnh tập phát sinh. Vì theo phân tích của giới y khoa dịp này là dịp chuyển mùa nhiều dịch bệnh thường phát sinh, với cúng lễ và ăn những trái cây đó cầu cho 1 năm mọi người trong gia đình không mắc phải dịch bệnh.

Cũng trong ngày này còn có tục hái thuốc vào chính Ngọ, lúc đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt nhất, đặc biệt là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư.

Các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí, như: Ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi…

Đối với sản xuất nông nghiệp, tháng 5 bà con nông dân lại bắt đầu vào vụ sản xuất mới. Đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh cũng dễ phát sinh trên cây trồng và vật nuôi và cũng bắt đầu vào mùa mưa bão trong năm. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng, phòng bệnh.

Ngoài trái cây kể trên, nhiều gia đình vẫn giữ được tục lệ cúng vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo dân gian, những con vịt được nuôi trong vụ lúa xuân và trái cây, gạo mới thu hoạch xong được dâng cúng thổ thần, long mạch và tổ tiên vừa là báo công kết quả sản xuất của vụ trước và để cầu nguyện cho một vụ mới mưa thuận gió hòa, hạn chế dịch bệnh.

Thị trường ngày Tết Đoan Ngọ
Sáng nay phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã dạo quanh thị trường một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, ngay từ sáng sớm chợ đã khá đông người mua bán hàng hoá phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Những mặt hàng người dân mua nhiều nhất là cái rượu nếp, trái cây có vị chua như mận hậu, vải. Một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ là vịt.
 Đông người mua cái rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ.
 Cốc cái rượu nài có giá từ 7.000 - 20.000 đồng tùy theo cốc to hay nhỏ.
Giá các loại trái cây và thực phẩm kể trên chỉ nhích nhẹ khoảng 10-15% giá so với mọi ngày. Cụ thể, vải quả có giá bán từ 60.000-70.000 một kg, mận hậu, đào có giá bán từ 40.000-50.000 đồng một kg. Cái rượu nếp cẩm có giá từ 7.000 – 15.000/cốc tùy theo cốc to hay nhỏ. Nếp cái hoa vàng có giá từ 10.000 – 20.000 đồng/cốc cũng tùy theo cốc to hay nhỏ.

Vịt chưa làm bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg tùy theo chợ. Hoa cúc có giá từ 30.000 – 50.000 đồng/chục tùy theo chợ. Hoa hồng từ 20.000 – 30.000 đồng/chục cũng tùy theo chợ.

Theo các tiểu thương, do nhu cầu nhích tăng thì giá cả tăng chút đỉnh không đáng kể. Hàng hóa năm nay sản xuất dồi dào nên không có tình trạng khan hàng. Chỉ có vải quả năm nay xuất khẩu tăng, và chưa vào chính vụ nên số lượng không nhiều giá cả ngay từ đầu vụ đã tăng so với nhiều năm nay.