Ngoài số ít gia đình vẫn tự làm bánh trôi, bánh chay để dâng lên tổ tiên, sau cũng là cách để giáo dục giới trẻ giữ gìn truyền thống, phần lớn người Hà Nội chọn cách mua bánh tại các cửa hàng cho tiết kiệm thời gian. Khu vực chợ Hôm và phố cổ trở nên nhộn nhịp hơn từ sáng sớm. Có rất nhiều cửa hiệu làm bánh nổi tiếngở Ngô Thì Nhậm, Hàng Điếu…, khách xếp hàng dài để mua được bánh. Nhà hàng phải tăng lượng người làm, người bán mà vẫn không đủ bánh để phục vụ khách.
Có người cho rằng, bánh trôi ở Hà Nội mang hương vị riêng, khác hẳn bánh nơi khác, vì có sự kết hợp giữa vị bùi bùi của đỗ, dẻo dẻo, thơm thơm của nếp với mùi thơm của hoa bưởi lẫn với bột sắn dây. Bánh trôi được nặn bằng bột nếp, bọc nhân đường. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, "ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh" là chín, sau đó vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày lên đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm. Bánh chay cũng làm bằng bột nếp, nhưng nhân bằng đậu xanh. Đậu để làm nhân bánh phải là hạt nhỏ, thơm; được đồ chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Mặc dù bánh này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng ở Tết Hàn thực của nước ta lại có ý nghĩa rất khác và mang đậm đà những nét riêng của văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý và cuộc sống của người Việt. Và riêng với người Hà Nội, Tết bánh trôi, bánh chay đã được duy trì nhiều năm nay, trở thành một nét đẹp trong đời sống phố phường Hà thành.