Tết này gợi nhớ Tết xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết sắp về, hàng hóa ê hề, đường phố nhộn nhịp và chật chội hơn. Người và xe cộ đi lại rầm rập suốt ngày.

Đường Hà Nội mấy bữa nay lúc nào cũng tắc, cảnh phóng xe trên hè vượt đám đông cho nhanh trở thành hình ảnh quen thuộc. Điều này dù không nên, không phải, nhưng cũng cho thấy sự năng động của dân mình, cứ tắc đâu là tìm cách mở đường, vượt qua đấy, bất chấp quy định cấm đoán này nọ! Nhờ đó mà sản xuất bung ra; Nhờ đó mà “khoán 10 và khoán 100” ra đời trong nông nghiệp, cứu đói cho cả một dân tộc… để rồi làn gió Đổi mới sau 30 năm đã chuyển mạnh sang hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

Nhớ Tết xưa...

Cách đây mấy bữa, nhân bàn chuyện sắm Tết, vợ tôi - người nổi tiếng vô tư và hay quên bỗng nhắc lại một ký ức ngày xưa, rằng năm 1983, khi Tết đầu tiên được tôi đưa về thăm và ăn Tết nhà chồng, vợ tôi rất ngạc nhiên và không thể quên được cảnh nhìn quanh nhà chẳng thấy đồ Tết đâu. Cả 13 người con và 2 bố mẹ, cùng bà cô họ mà cơm Tết chỉ có một nồi măng lõng bõng nước, với lèo tèo mấy miếng thịt ba chỉ toàn mỡ mỏng tang…
Chợ hoa Tết phố cổ Hà Nội. 	Ảnh: Công Hùng
Chợ hoa Tết phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thời đó là chuyện bình thường, thời đó ai chả khổ nên có ai sợ khổ đâu. Cảnh nhà con đàn và dân nghèo thành thị, mà có cơm ăn là quý rồi. Mấy đứa em tôi toàn lớn lên bằng nước cơm đặc pha đường hoặc cơm nhá, chỉ khi ốm mới được biết mùi sữa ông Thọ. Tết ngày bao cấp, sáng sớm tinh mơ, tôi thường được phân công dậy đi xếp hàng mua theo tiêu chuẩn tem phiếu vài cân thịt, chân giò, độ chục cân củi, vài bó lá bánh chưng, cùng hai ba hộp mứt Tết. Mà nào có được mua ngay đâu, vì hàng cứ về từng đợt, bán được cho vài người là lại hết hàng, đợi đợt tiếp, có khi chiều tối mới mang được cái chân giò về nhà. Quần áo Tết thì chỉ là quần áo thường, giặt bằng xà phòng cho sạch và gấp để dưới gối, sáng mai dậy cho phẳng hơn mọi ngày là được. Sang lắm thì được cái quần xanh sỹ lâm, năm sau được cái áo kaki mới là vui như Tết rồi. Tôi hay có sáng kiến vượt khó: Dùng ca nước nóng thay bàn là; chế tạo công tắc đèn điện bằng cách dùng nắp bi đông nhựa hỏng, nối hai đầu dây điện vào hai thành cạnh, dùng bút bi xuyên qua, trên thân bút bi gắn một thanh sắt nhỏ để vặn theo chiều mũi tên là nối mạch, đèn sáng. Thậm chí, còn tự chế hẳn một đài galen gồm vài cái tụ và tai nghe theo sơ đồ in trên báo Khoa học và Đời sống và tự sướng rằng nhà mình cũng có đài đóm nghe, nào kém ai...

Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu, nhưng mỗi người ai cũng có những sáng kiến mà đến giờ nghĩ lại, ngay cả người trong cuộc cũng khó mà nghĩ mình có thể làm lại được…

...và những cái Tết sau Đổi mới

Cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập, cuộc sống đổi thay và dư dả hơn. Bây giờ, khi Xuân mới về, trẻ em phố và cả nhiều vùng quê ít còn háo hức với sắm sanh quần áo mới, ăn uống và quà Tết. Béo phì là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Ngày càng nhiều người sợ thịt và săn tìm thức ăn kiêng để giảm béo, hay kiên quyết không ăn mỡ động vật, đường và mỳ chính (tiêu chuẩn cao cấp chỉ dùng đi thăm người ốm dài ngày phải nằm bệnh viện ngày xưa) theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Bánh chưng được ăn quanh năm, nhìn đến ngán. Những bữa cơm với món ăn đặc trưng thời bao cấp trở thành thương hiệu và được kinh doanh như nhà hàng đặc sản đắt khách tại một phố ven Hồ Tây bây giờ…

Cuộc sống luôn tiến lên phía trước, tuy nhiên bao nhiêu cái vất vả mà các thế hệ cha ông và chúng tôi ngày ấy đã trải qua đã rèn giũa nên tính cách can trường, tiết kiệm, chịu thương, chịu khó, dễ thích ứng và dễ sẻ chia, sẵn sàng “khó khăn nào cũng vượt qua”. Tết này lại gợi nhớ Tết xưa. Một thời để nhớ và một đời không quên, chuyện Tết thời thiếu thốn mà không biết buồn…!
 
"Cuộc sống luôn tiến lên phía trước, tuy nhiên bao nhiêu cái vất vả mà các thế hệ cha ông và chúng tôi ngày ấy đã trải qua đã rèn giũa nên tính cách can trường, tiết kiệm, chịu thương, chịu khó, dễ thích ứng và dễ sẻ chia, sẵn sàng “khó khăn nào cũng vượt qua”.