70 năm giải phóng Thủ đô

Tết Nguyên đán 2010: Không lo thiếu hàng-sốt giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2010, trước thời điểm Tết từ 2 – 3 tháng, các đơn vị kinh doanh đều chủ động hợp đồng,

KTĐT - Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2010, trước thời điểm Tết từ 2 – 3 tháng, các đơn vị kinh doanh đều chủ động hợp đồng, khai thác nguồn hàng từ các nhà cung cấp và có những ràng buộc về số lượng, giá cả hàng hoá.

Giá cả không tăng bất thường


Thông thường, những ngày giáp Tết giá hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hay biến động bất thường gây nên nỗi lo không chỉ các nhà quản lý mà cả người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Như Mai-Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Mặc dù sức mua của người tiêu dùng trong tháng Tết sẽ tăng trên 25%, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ có thể lên tới 14.000 tỷ đồng. Mặc dù sức mua tăng cao nhưng người tiêu dùng sẽ không phải chịu sức ép lơn về giá cả, do trong những tháng gần đây, giá hàng tiêu dùng đã có sự biến động tăng giá do yếu tố giá đầu vào tăng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, thông tin chuẩn bị tăng lương…

Vì vậy, giá hàng tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ cơ bản ổn định hoặc nếu tăng sẽ giao động nhẹ từ 3-5%. Song trong thời gian gần đây các mặt hàng bia, nước giải khát đang nhúc nhích tăng giá. Đây đang là giai đoạn các nhà buôn nhỏ bắt đầu tích tụ các mặt hàng này và các nhà phân phối có điều chỉnh một bước về giá cả.

Các nhà cung ứng và kinh doanh cũng cho rằng, thời điểm này giá cả hàng tiêu dùng đang đứng vững, do vậy dịp giáp Tết, giá hàng hóa sẽ không biến động nhiều. Ông Phan Bội Ngọc, giám đốc Công ty LanChi Mart cũng khẳng định: “Do chúng tôi sớm lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết nên hệ thống siêu thị LanChi Mart đảm bảo giá cả từ nay đến Tết sẽ không thay đổi, thậm chí thấp hơn nhiều so với thị trường”.  Ông Nguyễn Thái Dũng-Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Hiện siêu thị đã nhận được yêu cầu tăng giá của một số nhà cung ứng như bánh kẹo tăng từ 3-5%, giá dầu ăn tuy không tăng nhưng cũng đang trong tình trạng khan hàng. Có tình trạng này là do giá nhân công và nguyên liệu đầu vào như sữa, đường, bột mỳ đã tăng nhẹ từ 3-5%. Theo đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc: Giá lương thực phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không có việc tăng giá đột biến, nhưng  giá gạo sẽ đứng ở mức cao. Có như vậy là do hiện nay nhiều công ty xuất khẩu gạo đã trúng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn nên tăng cường thu mua dẫn đến giá gạo đứng ở mức cao.

Ngành công thương đảm bảo đủ lượng hàng hóa

Để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2010, trước thời điểm Tết từ 2 – 3 tháng, các đơn vị kinh doanh đều chủ động hợp đồng, khai thác nguồn hàng từ các nhà cung cấp và có những ràng buộc về số lượng, giá cả hàng hoá. Đến thời điểm này, hầu hết các nhà phân phối hàng hoá đều chuẩn bị đủ lượng hàng phục vụ Tết và những ngày sau Tết. Bà Nguyễn Thị Phi Anh, giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh cho biết: Đơn vị đã chuẩn bị khoảng 600 tấn lợn hơi phục vụ thị trường Hà Nội trong và sau Tết nguyên đán. Nguồn hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết năm nay tương đối phong phú. Cho dù nhu cầu tiêu thụ dịp này tăng cao, chúng tôi vẫn đủ khả năng đáp ứng. Ngay cả mặt hàng gạo cũng được các doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội chủ động chuẩn bị đảm bảo số lượng, chất lượng. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Dương Yamada cho biết: “Hiện tại, ngoài lượng gạo 5% tấm chúng tôi đang dự trữ 350 – 400 tấn gạo đặc sản của Điện Biên, Hải Hậu, Nhật, Thái Lan… phục vụ trong dịp Tết”.

Để đáp ứng nhu cầu hàng hoá trong dịp Tết, thành phố đã triển khai cho 12 doanh nghiệp vay tổng cộng 250 tỷ đồng với lãi suất 0% để mua hàng hoá dự trữ phục vụ Tết. Bà Mai cho biết: Cho đến thời điểm này, 98% số tiền này đã được giải ngân để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: Thịt gia súc, gia cầm; trứng; hải sản đông lạnh; lương thực; rau, củ quả; đường… Hiện 11 doanh nghiệp được ứng vốn đã dự trữ đủ lượng hàng gồm 4.510 tấn gạo các loại, 2.420 tấn thịt gia súc - gia cầm, 940 tấn thủy hải sản đông lạnh, gần 2.200 tấn rau củ quả các loại, 2.174 tấn thực phẩm chế biến cùng các mặt hàng bánh mứt kẹo, thức uống…

Nhằm tạo thuận tiện cho người dân mua sắm, 11 doanh nghiệp có uy tín của Hà Nội chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ thực hiện việc dự trữ hàng hóa, tổ chức bán hàng tại 121 địa điểm trên địa bàn thành phố để đảm bảo cung cầu, không thiếu hàng và bình ổn giá cả trong dịp Tết Canh Dần. Các mặt hàng  được bầy bán tại những địa điểm này gồm: gạo chất lượng cao, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả tươi, thủy hải sản, đường, dầu ăn… Trong đó sẽ có một số mặt hàng tiêu dùng giảm giá 3 - 5% do được thành phố hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, các doanh nghiệp cũng tổ chức đưa hàng về bán ở nông thôn. Sẽ có 20 điểm bán hàng thuộc 11 huyện ngoại thành, trong đó có 13 điểm tại 13 xã miền núi (thuộc các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mỹ Đức). Đợt bán hàng phục vụ Tết ở nông thôn và miền núi này sẽ được tổ chức từ ngày 22/1 đến 5/2.

Với sự chuẩn bị hàng phục vụ Tết chu đáo như vậy, việc tăng giá đột biến sẽ khó có thể xẩy ra, bà Mai khẳng định.