Tất bật sắm lễ cúng ông Công, ông Táo
Tết ông Công, ông Táo năm nay diễn ra vào thứ Bảy, ngày 14/1/2023 Dương lịch, hiện nhiều người dân Hà Nội đã chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng truyền thống. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Hàng Bè, Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình)…, tiểu thương đã bầy bán những mặt hàng cúng Tết ông Công ông Táo với mẫu mã đa dạng.
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy giá các mặt hàng vàng mã năm nay không nhiều biến động so với mọi năm. Hiện bộ Táo quân có giá dao động 50.000 - 200.000 đồng/bộ tùy chất lượng, kích cỡ. Cụ thể, 120.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ nhỏ, 140.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ to; 190.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ đại, vàng tiền 10.000 - 25.000 đồng/đinh, vàng hoa giá từ 80.000 - 120.000 đồng/cây.
Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Chị Kim Anh, kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công cho biết, mặc dù chưa chính thức bầy bán nhưng dự kiến giá cá chép đỏ phóng sinh từ 40.000 - 70.000 đồng/bộ 3 con. Nếu mua tại chợ đầu mối phía Nam, giá bán sẽ thấp hơn khoảng 30.000 đồng/bộ 3 con.
“Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời, nên nhà nào cũng mua cá chép về thắp hương. Vì vậy tôi chủ động nhập nhiều hàng để phục vụ người dân mà không lo ế” - chị Kim Anh cho hay. Ngoài cá chép sống, năm nay thay vì cúng cá như mọi năm, nhiều người còn cung cấp các mẫu cá chép bằng xôi, thạch, bánh trôi cá chép… Giá các set dao động từ 30.000 - 100.000 đồng.
Trong ngày này, hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách, tuy nhiên, giá cả khá mềm, không có hiện tượng tăng giá. Hiện hoa hồng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/bông; hoa cúc từ 3.000 - 4.000 đồng/bông; cành đào nhỏ khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/cành; hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai, hoa lay ơn giá 60.000-100.000 đồng/chục…
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương dự báo giá hoa có thể tăng nhẹ vào đúng ngày 23 tháng Chạp do nhu cầu cao đột biến. Các loại trái cây, trầu cau cũng không tăng giá, thậm chí một số mặt hàng còn đang giảm, như cam canh giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, phật thủ 45.000 - 100.000 đồng/quả.
Theo thông lệ, vào ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ mặn, hương hoa dâng cúng. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều nhà hàng, cá nhân đã cung cấp các dịch vụ lễ cúng Táo quân trọn gói, bao gồm cả hàng mã, cá vàng, trầu cau, đồ cúng chay, đồ cúng mặn… Giá mỗi mâm từ 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng, tùy theo lựa chọn của từng khách hàng. Ngoài bán trên thị trường truyền thống, tại các diễn đàn, trang mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng rao bán rầm rộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo. Để thu hút khách, các đơn vị này còn áp dụng chính sách miễn phí giao hàng.
Đảm bảo bình ổn giá
Trong bối cảnh thu nhập của nhiều người dân còn khó khăn, vấn đề giá cả hàng hóa thời điểm cận Tết Nguyên đán luôn là sự quan tâm của người tiêu dùng.
Chia sẻ vấn đề này, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân thông tin, chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market bắt đầu tung ra loạt chương trình khuyến mãi, qua đó đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết không lo về giá. Đặc biệt, với sứ mệnh “giúp cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn”, hệ thống siêu thị GO!, Big C và Tops Market đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp cùng thực hiện chương trình “khóa giá” đối với mặt hàng thiết yếu là thịt lợn.
“Cụ thể, Central Retail cam kết bán thịt lợn tươi không lợi nhuận qua đó giúp người dân dễ dàng mua được thịt sạch với giá tốt nhất” - bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho hay, tổng lượng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán của Hapro xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó có 8 nhóm hàng theo chương trình bình ổn thị trường của thành phố như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân - Bắc Qua) Hà Thị Minh thông tin, hiện lượng hàng hóa về chợ tăng 1,5 lần so với ngày thường, tập trung ở nhóm hàng bánh, mứt, kẹo, đồ khô… với mức giá không có biến động lớn.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, vào thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao rất có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến.
Để ngăn chặn hiện tượng này TP Hà Nội và Sở Công Thương đang tập trung triển khai Chương trình “Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu”. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình ký cam kết bình ổn giá, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các hoạt động kết nối khai thác nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội với giá bán hợp lý, ổn định, qua đó đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô.