Tết, xôn xao một tiếng xưa…

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán, người Việt ta có nhiều phong tục hay được gọi là thuần phong như khai bút, tịch điền, mừng tuổi...

Cả năm làm ăn, ít có thời gian chăm sóc nhà cửa, cuối năm quét dọn nhà cửa, sân ngõ cho nó phong quang sạch sẽ. Nếu ở làng phải ra đình giúp các Cụ tiên chỉ dọn dẹp án thờ, bày biện lễ vật. Ở quê, phải dựng cây nêu trước ngõ, phòng trừ ma quỷ… cây nêu giờ đã không còn thấy, kể cả ở làng quê Việt, phải chăng giờ đã hết ma quỷ nên người dân không còn phải cảnh giác?
Sắc xuân. Ảnh minh họa:
Sắc xuân. Ảnh minh họa:
Việc lau chùi bàn thờ, tỉa chân hương là của người đàn ông trong nhà. Mà người ta cũng không gọi trắng ra là lau chùi mà phải gọi là “bao sái”. Việc này chỉ được làm sau ngày 23 tháng Chạp - sau khi ông Công, ông Táo lên trời.

Bản thân ra bác phó cạo, cắt cái tóc cho dung nhan nó sáng sủa, rồi thì mua mớ mùi già mà tắm giặt để tẩy đi nỗi vất vả cả năm… Ôi cái mùi hương của mớ mùi già sao mà nó quyện lâu đến thế! Cả một năm, thoảng qua là biết Tết đã cận kề…

Bữa cơm tất niên, là bữa cơm tụ họp của mỗi gia đình. Anh em xa nhau cả năm, giờ mới được thanh thản mời nhau chén rượu. Mâm cỗ được bầy ra, nào giò, chả, măng, mọc, xôi gấc, chè kho. Nhưng việc đầu tiên là phải chúc sức khỏe Bố mẹ, rồi chúc nhau một năm thành công trong công việc.

Pháo nổ, giao thừa tới, hương lại được thắp trên ban thờ gia tiên. Một mâm cỗ cúng giao thừa cũng đã được biện sẵn. Khói hương, mùi rượu, mùi xôi quyện lẫn nhau thành một mùi đặc biệt cho khứu giác…

Mọi người lao xao chúc tụng, các phong bao mừng tuổi đã được chuẩn bị trước cả tháng nay được bỏ ra… này thì mừng anh công thành, danh toại, này thì mừng chị mẹ tròn con vuông, mừng cháu hay ăn chóng nhớn… Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành cho cả năm mới.

Năm mới ai cũng mang trong mình niềm hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Đi hái lộc, dù chỉ là một cành lộc non, nếu ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang thì phải xin sư cụ, hoặc thủ từ đồng ý ban cho thì mới được mang về nhà, nếu không chả biết chừng “của chùa mất một, đền mười”… lộc không thấy đâu lại thành họa.

Nếu được quý mến, kính trọng và được mời đến xông nhà, chú ý chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. Đến xông nhà, nhớ chuẩn bị các phong bao mừng tuổi cho người già và con trẻ. Cũng không cần nhiều lắm, đó là lộc của bạn chia sẻ với mọi người, nó mang ý nghĩa tượng trưng là chính. Ở thành thị, sáng mồng một, một số người gánh một gánh nước, hoặc bán muối đến các gia đình giàu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào".

Sáng mồng một, nhiều người chả dám đến nhà ai sớm, sợ bị trách “vía nặng” nếu gia chủ trong năm đó gặp điều gì “xui xẻo”.  Nhiều người kĩ tính còn dặn trẻ con, không được tự tiện vào nhà hàng xóm trong ngày này. Chính vì vậy, sáng mồng một lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà...

Nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là vui. Gia chủ có điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, mời khách chẳng tốn kém là bao. Mời nếu không ăn, gia chủ nói là “Em mời, bác không ăn là em “dông” cả năm đấy!”… Ai mà nỡ từ chối, nếu muốn từ chối, cũng nên tế nhị sau khi đã  nhấp môi chén rượu. Khi ngồi vào mâm, phải mời suốt lượt người trong mâm. Dùng xong, để đũa lên trên miệng bát, rồi xin vô phép mọi người…

Cũng vào dịp đầu xuân, nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một các cửa hàng đã mở để “lấy ngày”. Coi như công cuộc làm ăn đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu, các trí thức, văn nghệ sĩ thì khai bút, thợ thủ công khai công…

Ngày Xuân đã tới, mọi sự đã xong, thắp một nén hương, đứng trước bàn thờ Tổ tiên anh linh mà cầu: Linh khí tiếp dẫn muôn đời, Quốc thái dân an, Phúc lộc đầy nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần