Thả 92 cá thể động vật hoang dã về tự nhiên

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội vừa thả 92 cá thể động vật hoang dã thuộc 17 loài như chim, khỉ, bò sát, mèo rừng, cầy... về với tự nhiên tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

 Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thả 92 cá thể động vật hoang dã về tự nhiên
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, những con vật thả về rừng từng bị thu giữ từ những vụ liên quan đến buôn bán trái phép động vật hoang dã. Mỗi con được trung tâm tiếp nhận đều được đưa vào cách ly 25 ngày, sau đó theo dõi tình trạng sức khỏe, lên danh sách đánh giá môi trường tự nhiên thích hợp mới tái thả.
Theo đại diện Ban Quản lý rừng Cúc Phương, mỗi năm, vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp nhận khoảng 500-700 cá thể động vật hoang dã để chăm sóc, tái thả về thiên nhiên. Con số này tăng mạnh từ 2 năm trở lại đây. Tỷ lệ tái thả thành công, hoà nhập được với môi trường rừng tự nhiên của các cá thể này lên tới 95-98%. Vì lẽ đó, Vườn Quốc gia Cúc Phương dự kiến sẽ cho phép khách du lịch cùng tham gia tái thả động vật hoang dã vào thiên nhiên trong thời gian tới với mong muốn du khách sẽ trở thành “sứ giả” giúp Cúc Phương lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Cúc Phương là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam, nằm trên địa phận ranh giới ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa và là nơi có kinh nghiệm lâu năm về công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, được cộng đồng trong nước cũng như quốc tế ghi nhận. Với sự chung tay của các tổ chức trong nước, quốc tế; các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên và đặc biệt là nhiều cá nhân yêu động vật đã và đang làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, góp phần vào việc cứu nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên.
Vườn quốc gia Cúc Phương rộng tích 22.408 ha, có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua nên việc quản lý rất phức tạp. Để tái thả, 60 nhân viên kiểm lâm của rừng phải khảo sát vị trí, đánh giá sự thích nghi của loài. Tính đến nay, Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng ngàn cá thể của nhiều loài khác nhau, tại rừng nguyên sinh Cúc Phương và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần