Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thả cá, đừng thả túi nilon

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là một nét văn hóa đẹp trong truyền thống người Việt. Theo truyền thống, sau khi sắp lễ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình sẽ thả cá chép xuống ao, hồ cho “mát mẻ”.

 Ảnh: Lại Tấn
Tuy nhiên, những năm qua, nhiều sông, hồ ở Hà Nội như: Sông Hồng, sông Tô Lịch, Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Đắc Di… “sợ” ngày ông Công, ông Táo vì người dân không chỉ thả cá mà còn thả cả bát hương, bàn thờ và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ. Thậm chí, nhiều người vội công việc chỉ dừng xe trên cầu thả túi đựng cá, ném túi tro vàng xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt và tạo ra hình ảnh ứng xử thiếu văn minh, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Thói quen thả tro vàng, bát hương và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ ngày ông Công, ông Táo tồn tại đã lâu, ăn vào nếp nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhận thấy thực trạng này, nhiều năm qua, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã tổ chức các chương trình, hoạt động thu gom rác, túi nilon với một số khẩu hiệu như: “Đường Táo quân” do Thành đoàn Hà Nội triển khai, “Thả cá, đừng thả túi nilon” tại các khu vực sông, hồ. Không chỉ treo những poster khổ lớn in hình người dân thả túi nilon, rác xuống lòng sông, hồ trong dịp ông Công, ông Táo gây ô nhiễm, nhóm các bạn trẻ tình nguyện còn cầm biển tuyên truyền “Thả cá, đừng thả túi nilon”, dùng thùng sơn, buộc dây thả cá xuống sông. Bởi, người dân vứt túi cá từ trên cầu xuống, cá sẽ bị chết, nổi lên mặt sông gây ô nhiễm môi trường.
Hành động văn minh này không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân mà còn được các tổ chức, cá nhân quốc tế ủng hộ bằng những hoạt động thiết thực. Liên tiếp trong các năm 2017, 2018, James Joseph Kendall (đến từ Mỹ) cùng những người bạn đã đứng trên cầu Chương Dương hướng dẫn người dân thu gom rác thải. James cho biết, anh cũng như bạn bè quốc tế rất tôn trọng phong tục thả cá và tro muội ngày ông Công, ông Táo của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm trước, anh thấy sau khi thả cá, nhiều người thường vứt cả túi nilon gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, anh muốn làm việc gì đó để hạn chế tình trạng này.
Những năm qua, việc thu gom túi nilon, rác thải của các nhóm tình nguyện đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của nhiều người. Những việc làm ý nghĩa đó không chỉ trực tiếp làm giảm thiểu lượng tác thải, túi nilon mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.