Cứ như thế, suốt những năm học cấp 2, cấp 3, ngoài những giờ học trên lớp, Ngân còn phụ bố mẹ công việc đồng áng, những ngày hè cô đi thuê cho người ta để kiếm tiền trang trải học phí cho năm học tiếp, bố mẹ cô vì thế cũng nhẹ gánh phần nào.
Bước chân vào giảng đường đại học, cũng tự thân Ngân đi nhập học, kiếm nhà trọ, kiếm việc làm thêm để lo sinh hoạt phí và học phí. 4 năm đại học qua, Ngân ra trường và tìm được một công việc tốt, cô tự nhủ sẽ không lấy chồng, vì muốn dành hết cuộc đời của mình để lo cho bố mẹ và các em.
Bốn đứa em sau cô đều được cô lo cho ăn học tử tế, bố mẹ ở quê không một chút vướng bận, cô cũng lo sửa nhà và sắm những đồ dùng cần thiết để bố mẹ được hưởng thụ cuộc sống. Với cô chỉ vậy thôi, cô không cần thêm gì khác.
Thời gian cứ trôi qua như thế, cô chỉ biết mỗi gia đình. Rồi cũng đến lúc những đứa em cô lần lượt ra trường và có công ăn việc làm ổn định, cô lúc này nhàn nhã hơn, không còn gì phải vướng bận nữa. Cô bắt đầu chú ý đến bản thân mình hơn, đi du lịch nhiều hơn và bắt đầu để ý đến những người đàn ông. Có lẽ là hơi muộn khi ở tuổi băm rồi cô mới có thời gian để thấy mình cũng cần tình yêu, cần có một gia đình riêng.
Và rồi cô gặp anh - chồng của cô bây giờ, nhờ anh kiên trì theo đổi, phụ huynh cũng vun vào, lại gần nhà nhau nên cô cũng xuôi xuôi. Vậy là đám cưới được diễn ra, anh nói đám cưới để anh lo nhưng vốn quen lo chu toàn mọi thứ, thế nên đám cưới cô lo tất tần tật. Có lẽ đây cũng là điều cô cảm thấy hối hận ngay lúc này, hối hận vì bản thân quá tự lập nên việc gì cũng gánh vác, cũng vơ hết vào người, để giờ đây chồng cô mặc nhiên để mọi thứ cô lo.
Có lẽ trong mắt chồng, Ngân cũng giống như một người đàn ông vậy. Khi Ngân có bầu, vì không bị nghén nên cô khác bình thường, cũng vì thế chồng không quan tâm nhiều, thi thoảng anh có nấu cơm rửa bát phụ vợ, nhưng ngoài ra anh không làm gì hết. Anh cũng không hỏi thăm xem vợ như thế nào, vợ thèm gì để mua.
Anh mặc nhiên nghĩ rằng “vợ thích ăn gì tự mua" và đương nhiên là mua bằng tiền của vợ, vì hàng tháng anh cũng đâu đưa tiền cho vợ, còn Ngân vì tiền cô kiếm được chi tiêu thoải mái nên cô cũng không thắc mắc về tiền lương của chồng.
Nghỉ Tết về nhà chồng, Ngân lo nấu nướng dọn dẹp, còn chồng chỉ ngồi chơi game và ngủ, Ngân bầu bì cảm thấy mệt nên nằm ngủ một xíu thì chồng vào lật chăn kêu dậy tỉnh bơ, giống như Ngân đang giả vờ và như thể xưa nay Ngân là siêu nhân, Ngân không biết mệt.
Đôi khi Ngân chạnh lòng, vì xét cho cùng Ngân cũng là đàn bà, mà đàn bà ai không muốn được yêu thương nâng niu, nhiều lần cô giận chồng nên cũng không buồn nói chuyện, thì chồng cho rằng cô giận hờn vô cớ, khiến chồng không muốn về nhà.
Những ngày lễ kỷ niệm sinh nhật, chồng cũng chưa từng mua quà tặng Ngân, chỉ vì trước đó Ngân có từng nói không thích quà cáp. Chồng luôn nói rằng, muốn Ngân được tự do thoải mái làm chủ nên Ngân thích gì, muốn gì tự quyết, muốn quà tự mua,... nhưng tự mua bằng tiền của Ngân? Cưới nhau được 8 tháng, 8 tháng qua mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều một tay Ngân lo, chồng chưa đưa một đồng nào. Không lẽ đó là chủ nghĩa tự chủ mà chồng cô nói.
Chồng phân chia rạch ròi mọi thứ với cô, hai vợ chồng gom tiền mua nhà, đến khi sắm sửa nội thất, anh cũng nói để cô toàn quyền quyết định, thích mua sắm gì thì mua, đương nhiên là bằng tiền của cô, và anh không đưa cô một đồng. Anh cho rằng anh làm như vậy là vì tôn trọng vợ?
Nhưng thử hỏi có người chồng nào lại phân chia trách nhiệm trong gia đình bất công bằng như anh ta không? Phải chăng vì Ngân quá mạnh mẽ, quá tự lập nên chồng không cần bảo vệ che chở, và rằng với chồng Ngân cũng như một người đàn ông trong nhà, thậm chí những việc cô làm còn hơn cả một người đàn ông.
Ngân ước sao mình có thể yếu đuối một chút, biết nhõng nhẽo một chút thì có thể chồng sẽ quan tâm cô hơn, cô đâu cần gì nhiều, cô chỉ cần một chút quan tâm của chồng để cảm thấy không cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Chứ có chồng như này thì thà rằng cô làm mẹ đơn thân.