Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất hướng tới giáo dục chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống hiếu học của địa phương, huyện Thạch Thất đang tập trung dồn sức cho chương trình giáo dục chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ hội nhập.

Thành tích đáng nể

Là quê hương của Lưỡng quốc Trạng nguyên Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất là địa phương có truyền thống hiếu học và nhiều năm đạt thành tích cao trong mặt bằngchung toàn TP, nhất là các kỳ thi học sinh (HS) giỏi các cấp. Năm học 2015 – 2016, toàn huyện có 9 em học sinh đạt giải trong kỳ thi cấp quốc gia, 284 em đạt giải cấp TP. Đáng chú ý, Đội tuyển HS giỏi các bộ môn văn hóa lớp 9 THCS dự thi cấp TP của huyện đạt 73 giải, tăng 9 giải so với năm học trước, xếp thứ ba trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã và cũng là năm đạt thành tích cao nhất sau 8 năm hợp nhất.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất tuyên dương học sinh giỏi năm học 2015 - 2016. Ảnh: Quang Thiện
Lãnh đạo huyện Thạch Thất tuyên dương học sinh giỏi năm học 2015 - 2016. Ảnh: Quang Thiện
Có thể nói, công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu được huyện Thạch Thất đặc biệt quan tâm từ cấp học mầm non đến THPT. Không chỉ các trường có bề dày truyền thống mà ngay cả các trường học ở khu vực miền núi như xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân hay trung tâm giáo dục thường xuyên cũng từng bước cải thiện chất lượng giáo dục và đạt thành tích khá. Đơn cử như năm học 2015 – 2016, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất có 32 HS đạt giải cấp quốc gia và TP. Đây là một thành tích đáng nể mà không phải địa phương nào cũng có được.

Trong phong trào bồi dưỡng và ươm mầm các tài năng trên địa bàn huyện Thạch Thất đã xuất hiện hàng trăm tấm gương hiếu học, HS nghèo vượt khó. Em Nguyễn Khả Nhật Long - HS lớp 9A trường THCS Thạch Thất, vừa đạt Huy chương Đồng cấp quốc gia, giải Nhất cấp TP giải Toán qua internet năm học 2015 – 2016 tâm sự: “Chính truyền thống của quê hương và ước mơ chinh phục những đỉnh cao tri thức đã nhắc nhở em phải tích cực học tập, rèn luyện thật tốt”.

Đưa giáo dục hội nhập
Trong 5 năm qua, toàn huyện Thạch Thất có hơn 4.600 HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Theo đánh giá của UBND huyện Thạch Thất, đến nay, quy mô trường lớp của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, toàn huyện hiện có 39/77 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, 23/23 xã, thị trấn có hội khuyến học và hầu hết các dòng họ đều có quỹ khuyến học. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được quan tâm, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn các bậc học đều tăng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ chuyển lớp bậc tiểu học, THCS đạt trên 99,3%.

Những bước đi vững chắc của ngành giáo dục huyện Thạch Thất chính là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang bước vào quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày một lớn. Ngay trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, được đánh giá sẽ là nơi thu hút một số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, ngành giáo dục huyện Thạch Thất cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học nhằm cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho quá trình xây dựng, phát triển địa phương nói riêng, toàn Thủ đô nói chung.

Định hướng mà lãnh đạo Sở GD&ĐT gợi ý cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn chia sẻ, trước yêu cầu hội nhập và đổi mới, ngành giáo dục của huyện vẫn còn không ít băn khoăn. Đó là chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường, trong khi việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn nhất định. Do đó, tới đây, huyện Thạch Thất sẽ giao Phòng GD&ĐT huyện đưa một số mô hình giáo dục tiên tiến, chất lượng cao của nước ngoài vào thí điểm, trong đó có giảng dạy bằng tiếng Anh. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế.