Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất: Nhiều hạn chế trong quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất, công tác quản lý nhà nước về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện có khó khăn lớn là quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng CCN không đồng bộ; một số hạng mục công trình phụ trợ (trạm xử lý nước thải, điểm tập kết rác thải, hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy…) không có trong danh mục đầu tư.

Hôm nay (20/5), đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Trong đó, đoàn đến khảo sát thực tế một số hộ SXKD và trạm xử lý nước thải tại CCN cơ kim khí Phùng Xá (xã Phùng Xá), cho thấy: Máy móc, công nghệ xử lý nước thải đã rất lạc hậu, nhiều tiêu chí xử lý nước thải không đảm bảo. Các cơ sở SXKD do các hộ gia đình chứ không phải DN thuê mặt bằng, nên diện tích rất nhỏ (120-240m2), điều kiện cơ sở vật chất rất nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường sống người dân…
 Đoàn khảo sát thực tế một cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN cơ kim khí Phùng Xá 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan, công tác quản lý nhà nước về xử lý nước thải tại huyện có khó khăn lớn là quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng CCN không đồng bộ; một số hạng mục công trình phụ trợ (trạm xử lý nước thải, điểm tập kết rác thải, hạng mục công trình PCCC…) không có trong danh mục đầu tư. Chỉ 2 CCN có hệ thống xử lý nước thải là CCN cơ kim khí Phùng Xá có trạm xử lý với công suất 200m3/ngày-đêm (chủ yếu xử lý nước thải của một số hộ mạ trong cụm) và CCN Bình Phú 21,8ha đã có hệ thống xử lý đạt 600m3/ngày-đêm (theo công nghệ Nanô). 5/7 CCN không có hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thoát nước tại các CCN không tách riêng nước mưa, nước thải; 6/7 CCN được quy hoạch phục vụ di dời các hộ sản xuất trong làng nghề ra CCN, diện tích giao theo quy hoạch nhỏ nên khó quản lý sử dụng đất, PCCC… Cùng đó, các CCN hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 nên không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các hộ SXKD được thuê đất trong CCN với tư duy hộ gia đình chưa có xác nhận đăng ký đề án hay kế hoạch bảo vệ môi trường; công trình xử lý khí thải, nước thải sơ sài…
Đặc biệt, trạm xử lý nước thải tại CCN Bình Phú chưa kết nối thu gom toàn bộ nước thải của các cơ sở SXKD khu vực lân cận, công suất xử lý theo thiết kế 600m3/ngày-đêm nhưng hiện chỉ có 10 đơn vị trong CCN đấu nối; thành phần nước thải là nước thải sinh hoạt nên việc vận hành xử lý nước thải sản xuất gây lãng phí, không đủ kinh phí duy trì vận hành. Còn CCN cơ kim khí Phùng Xá đã có hệ thống xử lý nước thải từ năm 2010, công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp; trạm có thiết kế với công nghệ và modul chỉ phục vụ xử lý nước thải mạ (hiện có hơn 10 hộ sản xuất mạ).
 Khảo sát thực tế vận hành Trạm xử lý nước thải trong CCN cơ kim khí Phùng Xá
Từ đó, UBND huyện đề nghị TP đôn đốc chủ đầu tư (Ban QLDA ĐTXD công trình NN&PTNT TP) đẩy nhanh đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các CCN Bình Phú I, Canh Nậu, Kim Quan theo những quyết định chủ trương đầu tư đã phê duyệt. Đề nghị TP bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư hoàn chỉnh HTKT các CCN đang hoạt động trên địa bàn huyện theo chương trình hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2020-2023 do Sở Công Thương đề xuất; nguồn vốn cần hoàn chỉnh HTKT cho 7 CCN do Ban QLDA ĐTXD huyện tiếp nhận nhiệm vụ đầu tư khoảng 346,167 tỷ đồng. Đây là cơ sở để khắc phục các tồn tại và thực hiện đúng yêu cầu quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP. Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Nguyễn Khánh Toàn cũng kiến nghị, TP sớm bố trí kinh phí đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ hiện đại để đảm bảo đưa nước thải ra môi trường đáp ứng tiêu chuẩn; bố trí một số cán bộ chuyên ngành quản lý vận hành hệ thống này. Về mặt bằng CCN, TP cần cho xã cơ chế đặc thù, vì CCN đã triển khai theo Quyết định 105 nhưng khi có Nghị định 68 thì có nhiều bất cập trong giao đất cho các hộ.
Từ thực tế giám sát, tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đoàn đặt ra những vấn đề liên quan công tác quản lý của địa phương với hoạt động xả thải của các cơ sở SXKD trong các CCN. Đáng chú ý, Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Đức cho rằng, tại 5 CCN chưa có trạm xử lý nước thải, huyện Thạch Thất cần giám sát nguồn thải để đánh giá có bị ô nhiễm hay không, nếu bị ô nhiễm thì cần có đánh giá tác động môi trường để đầu tư mang tính đồng bộ chứ không thể manh mún. Ngoài nước thải, vấn đề ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại các CCN đang đặt ra bài toán nan giải, nhất là những hộ sản xuất gỗ gây ô nhiễm rất lớn về bụi và mùi sơn, nên huyện cần quan tâm giải quyết. Hơn nữa, qua thực tế Báo nắm được, nhu cầu, năng lực sản xuất của người dân tại huyện rất lớn, nguồn đất đai tại đây cũng vẫn còn, nhưng câu hỏi đặt ra là việc giao đất cho họ sản xuất đã được thực hiện đến đâu, có vướng mắc gì? Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, đang trong thời buổi công nghệ 4.0, huyện nên triển khai đầu tư giám sát tự động về ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất trong CCN.
 Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi giám sát
Từ khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, đoàn giám sát ghi nhận, với sự quan tâm của địa phương, hạ tầng các CCN tại Thạch Thất đã khang trang hơn trước nhiều. UBND huyện đã giao trách nhiệm các phòng ban liên quan và xã có CCN trên địa bàn phối hợp, bước đầu đạt kết quả trong triển khai công tác quản lý nhà nước về xử lý nước thải tại các khu, CCN.
Tuy nhiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân- Trưởng đoàn giám sát cho rằng, công tác xử lý nước thải trong CCN, làng nghề tại huyện Thạch Thất vẫn có nhiều tồn tại. Đó là tỷ lệ đầu tư hệ thống xử lý nước thải còn thấp, tới đây được TP quan tâm đầu tư thêm 3 trạm thì cũng mới có 5 trạm xử lý trên địa bàn. Quan trọng hơn, quản lý vận hành các trạm sau đầu tư còn rất nhiều hạn chế. Thực tế tại 2 trạm đã có, hệ thống chưa đồng bộ, công suất thiết kế trước đây không phù hợp thực tế xả thải (công suất vượt lưu lượng xử lý), ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổ chức vận hành quản lý trạm cho hiệu quả. Hơn nữa, công nghệ lạc hậu, việc đấu nối của các hộ chưa thực hiện được triệt để, nhất là chưa thống nhất được với các hộ về giá dịch vụ - là quy định pháp luật, nên bắt buộc phải đánh giá, rà soát và thực hiện.
“Giải pháp xử lý trước mắt cho những trạm xử lý nước thải trong tình trạng này là nên có quy trình hợp lý và thống nhất được với các đơn vị để có thể vận hành theo giờ, chứ không thể vận hành liên tục cả ngày. Thực tế này tại Phùng Xá đặt ra vấn đề cho nhiều địa phương khác”- Trưởng đoàn nhận định, và nhấn mạnh: Với những trạm không xã hội hóa được trong đầu tư, vấn đề đổi mới công nghệ và xây dựng giá dịch vụ thuộc trách nhiệm chính quyền (Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện); nếu là kinh doanh dịch vụ thì trách nhiệm thuộc chủ đầu tư kinh doanh dịch vụ. Huyện cần rà soát đánh giá để có đề án, kế hoạch xử lý.
Về vấn đề thu phí, ông Nguyễn Nguyên Quân khẳng định, theo quy định pháp luật, mọi cơ sở SXKD trong CCN phải nộp phí bảo vệ môi trường; nhưng các CCN ở Thạch Thất dù có thực hiện nhưng chưa quan tâm đúng mức, thu chưa triệt để. Trách nhiệm này thuộc Sở TNMT, Phòng TNMT huyện, cần tham mưu UBND huyện rà soát hằng năm lên danh sách đối tượng nộp phí, phần nào thuộc TP hay phần nào thuộc huyện thu…
Với việc UBND huyện kiến nghị TP rà soát hệ thống CCN để có cơ chế hỗ trợ địa phương hoàn thiện, đầu tư đồng bộ hạ tầng các CCN, Trưởng đoàn nhận định rất xác đáng, bởi thực tế những CCN tại Thạch Thất trước đây được đầu tư từ nguồn vốn của người dân chứ không phải từ ngân sách TP, nếu không có cơ chế hỗ trợ sẽ rất khó cho địa phương. Đoàn sẽ kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết.