Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức bảo đảm an ninh tài nguyên nước

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đảm bảo an ninh nguồn nước giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do những thách thức từ thực tiễn, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm tìm được giải pháp triệt để.

Nguy cơ suy giảm tài nguyên

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, phạm vi quản lý rất rộng và là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của đất nước.

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bảo đảm an ninh trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Ảnh: baochinhphu.vn
Bảo đảm an ninh trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Ảnh: baochinhphu.vn

Về tổng quát, an ninh nguồn nước là việc bảo đảm về số lượng, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, sinh kế, hoạt động sản xuất cũng như môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, qua nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay nguồn nước của Việt Nam đang trong tình trạng quá bẩn (ô nhiễm), quá ít đầu tư và sự tuân thủ, quá nhiều dòng chảy từ bên ngoài biên giới.

Cụ thể, những vấn đề phát sinh từ quá trình đô thị hóa, nước thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp.. khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng.

Mặt khác, hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ bên ngoài. Do vậy, tài nguyên nước dễ bị tổn thương do các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. Cùng đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu khai thác tài nguyên nước phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước ngày càng có nguy cơ suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, hiện nay, quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước đã xây dựng khung quản lý khá chặt chẽ về bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh tài nguyên nước.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, khiến yêu cầu ngày càng “phình” cả về chất và lượng. Vì vậy, khi áp dụng quy định vào thực tế còn gặp nhiều vướng mắc do mối liên kết giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, người dân thiếu tự giác trong việc chấp hành quy định.

Cần thêm nguồn lực

Mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước đã được đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như trong Văn kiện Đại hội của các địa phương. Bộ TN&MT giữ vai trò chủ trì, đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia với mục tiêu cốt lõi là “chủ động, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt".

Trong nhóm nội dung sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cụ thể, các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia sẽ được nghiên cứu, gồm các cơ chế, chính sách điều hòa phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng; quy định các cơ chế tài chính huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho mục đích sử dụng của các hồ chứa.

Liên quan đến thúc đẩy các giải pháp phục hồi, bảo vệ, quản lý nguồn nước, Bộ TN&MT đã học tập kinh nghiệm của các nước như Australia, Hà Lan, Pháp, Phần Lan... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, cần ưu tiên hàng đầu là việc hoàn thiện chính sách kiểm soát tình trạng ô nhiễm, nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, ứng phó với thiên tai và tăng cường sức chống chịu. Về trách nhiệm quản lý, bằng vai trò chủ trì của Bộ TN&MT, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân phải tăng cường sự gắn kết trong việc thực hiện xây dựng các kịch bản ứng phó nguy cơ.

Đặc biệt, để tránh tình trạng “lực bất tòng tâm”, cần thêm nguồn lực quy mô tài chính, ưu đãi dựa trên thị trường nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư ở tất cả lĩnh vực của ngành nước. Song song là bổ sung ngân sách đầu tư công áp dụng vào phát triển công nghệ xử lý.

 

"Là một đô thị đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp riêng, qua đó bảo đảm an ninh nguồn nước cho các khu dân cư, khu đô thị trong quy hoạch không gian, đồng thời hoàn thành cải cách ngành nước đô thị, cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân. Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế, chính quyền TP cần tiếp tục siết chặt quản lý ở cấp cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm chung đối với bảo vệ an ninh nguồn nước." -  Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến