Trong đó, võ thuật cổ truyền Việt Nam đứng trước cơ hội cũng như thách thức khi có môn lạ như: Kun bokator - võ cổ truyền của Campuchia.
Kun bokator tương đồng với võ cổ truyền
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17/5 tại Campuchia. Các môn thể thao tại SEA Games 32 sẽ được tổ chức tại 5 địa điểm thi đấu là: Phnom Penh, Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot, Kep. Ở kỳ Đại hội lần thứ 32, chủ nhà Campuchia tổ chức 38 môn thể thao với 608 bộ huy chương được trao. Đây là số huy chương kỷ lục trong lịch sử SEA Games, vượt qua con số 530 bộ huy chương ở SEA Games 30 tổ chức tại Philippines năm 2019.
Đáng chú ý, các môn võ thuật được nước chủ nhà tổ chức những môn như: kun bokator arnis, jujitsu, kick boxing, vovinam, kun khmer. Trong đó, các vận động viên võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ được thử sức ở môn thể thao mới lạ như kun bokator.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, kun bokator có nhiều nét tương đồng với lối đánh của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT), Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh cho biết, võ thuật Việt Nam có lần đầu tiên được tập huấn để tham dự Đại hội: “Sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, việc có mặt tại SEA Games của võ thuật cổ truyền Việt Nam thể hiện phù hợp xu thế quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục thắp sáng, tôn vinh hào khí Việt Nam. Đặc biệt, võ cổ truyền Việt Nam sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tại Đại hội hướng đến mục tiêu lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế”.
Được biết, tháng 11/2022, kun bokator được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giao lưu, học hỏi những tinh hoa võ thuật cổ truyền
Kun bokator là võ cổ truyền của Campuchia, bộ môn có nguyên tắc và hình thức thi đấu bằng kỹ thuật chiến đấu tay không và binh khí. Trong đó, gậy ngắn được chiến binh sử dụng tấn công. Với kun bokator thể thao, võ sĩ sử dụng găng tay hở ngón, được phép tấn công bằng các đòn đấm, đá, chỏ, gối, vật ngã. Từ tháng 9/2021, bộ luật thi đấu mới của võ cổ truyền Việt Nam đã cho phép sử dụng thêm các tình huống đánh chỏ-gối, quật ngã trong các giải đấu thuộc hệ thống Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, đây là cơ sở thuận lợi để các võ sĩ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận luật thi đấu Bokator tại SEA Games 32.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 32, Tổng cục TDTT đã quyết định thành lập đội tuyển võ thuật cổ truyền Việt Nam tham dự môn kun bokator tại Đại hội. Theo như quyết định ban hành, tuyển võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ có 3 HLV và 15 VĐV võ thuật cổ truyền được tập huấn môn kun bokator để chuẩn bị cho SEA Games 32. Các VĐV được lựa chọn dựa trên kết quả giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Đội tuyển võ thuật Việt Nam sẽ tập huấn ngày 1/3 đến 15/5 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, mục tiêu của đội tuyển võ thuật cổ truyền Việt Nam tại SEA Games 32 là giao lưu, học hỏi những tinh hoa võ thuật cổ truyền của các nước và góp phần quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam.
“Liên đoàn không đặt nặng thành tích mà xác định đây là dịp để tạo sự đoàn kết, góp phần từng bước đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam vào chương trình thi đấu của SEA Games. Mục tiêu cuối cùng của Liên đoàn là lan tỏa tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn của võ thuật cổ truyền Việt Nam ra thế giới” - ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.
Ngoài môn Kun bokator, chủ nhà Campuchia còn đưa vào võ thuật Khmer (Kun Khmer). Việc loại bỏ môn Muay - hay tên gọi Muay và thay bằng Kun Khmer của chủ nhà Campuchia đã gây nên những tranh cãi, đặc biệt với Thái Lan - quốc gia đã phát triển và đưa môn này vào chương trình thi đấu SEA Games từ năm 2005.