Thách thức của “Quý bà” Myanmar trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên

Lan Hương Theo Reuters
Chia sẻ Zalo

“Quý bà” Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ vào hôm 14/9, giờ địa phương.

Bà Suu Kyi dự kiến cũng có cuộc gặp với Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên cao cấp của Quốc hội.

Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ khi đảng của bà giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử năm ngoái, khép lại hành trình dài nhiều thập kỷ từ một tù nhân chính trị đến lãnh đạo quốc gia.

Khi bà Suu Kyi không còn là nhân vật đối lập, chính phủ Mỹ đang xem xét nới lỏng hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Myanmar. Hồi đầu năm nay, Washington đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt với Myanmar để hỗ trợ cải cách chính trị nhưng vẫn duy trì hầu hết các hạn chế kinh tế.
Tổng thống Mỹ Obama và bà Aung San Suu Kyi tại cuộc gặp tại Yagoon năm 2014. 

Bà Suu Kyi không được phép trở thành Tổng thống Myanmar do có con là người nước ngoài, theo Hiến pháp.

Tuy nhiên, “Quý bà” Myanmar vẫn là nhà lãnh đạo đất nước trên thực tế bằng cách đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn nhà nước.

Bà Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với các thách thức trong việc dẫn dắt quan hệ Myanmar - Mỹ và người hàng xóm Trung Quốc, thế lực vẫn ủng hộ chính phủ quân đội.

Quan hệ Naypyidaw - Washington năng động không hẳn là quan hệ chiến lược thân thiết nhưng sẽ giúp cân bằng hơn với Trung Quốc, Richard Horsey - nhà phân tích chính trị độc lập tại Yangon cho biết.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề mà bà Suu Kyi phải đối mặt. Bà bị các nhóm nhân quyền chỉ trích về việc không giải quyết tình trạng không có quốc tịch của nhóm thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar. Khoảng 125.000 phải sống trong các ngôi lều tồi tàn trên bờ biển phía Tây của nước này sau cuộc bạo động giữa người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi vào năm 2012.