Trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, phiên thảo luận thứ nhất diễn ra sáng nay (29/11), các chuyên gia đã trao đổi xung quanh chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Nhiều biểu hiện suy thoái
Tham luận trong phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu đã chia sẻ thực trạng trong việc xây dựng hệ gia trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Bên cạnh những ý kiến về việc bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng, các đại biểu cũng đề cập tới một số vấn đề phát sinh trong gia đình hiện nay.
GS.TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đề cập đến hệ giá trị gia đình ở góc độ những thách thức trong mối quan hệ vợ chồng. Theo đó, sự chia sẻ vợ chồng ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu các công việc nội trợ, bên cạnh hoạt động lo thu nhập mà gánh nặng các công việc gia đình ấy chưa được người chồng đánh giá đúng mức. Điều đó khiến cho nhiều phụ nữ giảm sút sức khoẻ, không có thời gian dành cho hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, từ đó, hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ - chồng.
Nhìn nhận về sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ, các đại biểu cũng chỉ ra một số góc khuất về việc chăm sóc đối với người cao tuổi. Trước đây, người cao tuổi thường sống chung với con cháu trong gia đình mở rộng để thuận tiện cho con cháu chăm sóc. Tuy nhiên, xu thế hạt nhân hoá gia đình và di cư mạnh mẽ tìm kiếm việc làm gây ra những khó khăn cho việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi. Tỷ lệ con cái sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn giảm đi, làm cho việc chăm sóc của con cái đối với cha mẹ sẽ ít thường xuyên hơn. Số con trong gia đình ít đi sẽ làm giảm nguồn hỗ trợ cho cha mẹ khi tuổi già. Tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều người trong độ tuổi lao động di cư tìm kiếm việc làm khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa.
Điều hết sức đáng lo ngại là các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi.
Từ thực tế trên, PGS.TS Lương Đình Hải nhìn nhận, chúng ta đang “khủng hoảng hệ giá trị”, thể hiện qua sự suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cá nhân. Dẫn chứng những vụ việc như con đốt nhà mẹ đòi chia đất, bạo hành trẻ em. “Đó là những điều kinh hoàng và nếu xem nhẹ giá trị con người, hệ quả như vậy tất yếu sẽ diễn ra” – ông Lương Đình Hải chia sẻ.
Hệ giá trị Việt Nam không tách rời hệ giá trị gia đình
Từ một số bật cập tồn tại trong gia đình Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực, tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại.
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội: “Chuẩn mực con người thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiệm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ… xã hội.
Từ những cảnh báo mặt trái, GS.TS Nguyễn Hữu Minh đã gợi mở một số vấn đề cần quan tâm để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới. Trước tiên, GS.TS Nguyễn Minh khẳng định, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó, chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế-xã hội. Đồng thời, cần quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới, kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Đặc biệt, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.
Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất là phần thảo luận bàn tròn, GS.TS Tạ Ngọc Tấn chủ trì phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu ý kiến về chuẩn mực phụ nữ Việt Nam xã hội mới, xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc; duy trì bữa cơm gia đình. TS Tạ Ngọc Tấn kết luận, hội thảo đã có 9 báo cáo tập trung vấn đề xây dựng giá trị gia đình con người Việt Nam vào cuộc sống. Đặc biệt, phiên bàn tròn trao đổi cụ thể hóa hơn các chuẩn mực về giá trị gia đình người Việt.