Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức hội nhập với ngành dầu khí

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/9, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Ngành Dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

 Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đưa ra và thảo luận một loạt các vấn đề khó khăn, thách thức mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang phải đối diện như việc thực hiện Luật Dầu khí gặp nhiều vướng mắc, công tác đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn, về bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư... Bên cạnh đó, việc tích hợp, áp dụng giữa các Luật đang khá phức tạp khiến PVN khó có thể triển khai được công việc liên quan...
Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, những năm trước 2015, ngoài các thành công quan trọng đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hằng năm PVN đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Đặc biệt, PVN đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất...

Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh (có lúc xuống dưới 30 USD/thùng, chỉ bằng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010 - 2015), cùng với các vụ việc xảy ra ở PVN từ năm 2015 đến nay đã ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động. Tuy nhiên, PVN vẫn đạt được những kết quả khích lệ: Nộp ngân sách Nhà nước hằng năm chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương.
Buổi tọa đàm giúp PVN được lắng nghe các ý kiến cũng như là cơ hội để PVN chia sẻ, trình bày những khó khăn của ngành Dầu khí hiện nay. Đồng thời mong muốn Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cho việc phát triển ngành Dầu khí nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh
Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5 - 6% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và 7 - 9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm 10 - 13%. Ngành nghề kinh doanh chính của PVN hiện tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện và Dịch vụ dầu khí.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, nhất là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước. Do đó, nhiều nước còn xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh cho toàn chuỗi giá trị, chứ không riêng lĩnh vực hợp tác đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế thì phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Nhưng vấn đề pháp lý đặt ra với PVN đến thời điểm này đã có sự thay đổi về quản lý, về bối cảnh phát triển khi giá dầu có sự sụt giảm mạnh, hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng sụt giảm, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn.

“Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Ngân sách Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, thảo luận tại buổi tọa đàm. Đồng thời sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019 - 2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.