Theo đó, cuộc bầu cử trước thời hạn của Hy Lạp đã kết thúc với 35% cử tri ủng hộ cho đảng Syriza.
Tuy nhiên, Thủ tướng tái đắc cử Alexis Tsipras và Chính phủ mới đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn khi vừa phải chèo chống nền kinh tế kiệt quệ với món nợ khổng lồ, đồng thời khôi phục lòng tin với người dân và các chủ nợ quốc tế.
Chính quyền mong manh
Thủ tướng Tsipras đã nhanh chóng tuyên bố sẽ liên minh với đảng Người Hy Lạp Tự do (ANEL) - một đảng thiểu số giành được 10 ghế trong Quốc hội. Như vậy, tổng cộng liên minh đảng Syriza đã giành được 155 ghế, vượt qua số lượng quá bán cần thiết (151/300) để thành lập Chính phủ. Tuy nhiên, chính quyền này vẫn còn quá mong manh bởi 160 ghế mới đủ để đảng cầm quyền thoát khỏi mọi phủ quyết khi ban hành chính sách mới. Đây là điều quan trọng trong bối cảnh Chính phủ mới phải nhanh chóng xúc tiến chương trình cải cách để kịp tới hạn giải ngân đợt cứu trợ mới vào tháng tới.
Với sự tham dự của 55% cử tri toàn quốc, đây là cuộc bầu cử bị thờ ơ nhất từ trước tới nay trong lịch sử Hy Lạp. Tuy nhiên, kết quả lần này cho thấy người dân Hy Lạp đã quyết định cho Thủ tướng Tsipras một cơ hội thứ hai vì những nỗ lực của ông, được đánh giá là khả dĩ hơn chính quyền cũ nát và tham nhũng tràn lan trước đó – vốn chịu trách nhiệm cho việc đẩy Hy Lạp vào khủng hoảng nợ. Hơn nữa, ai cũng hiểu nền kinh tế mỏng manh của Hy Lạp không có thêm thời gian cho một thể chế chính trị chưa có kinh nghiệm.
Nguy cơ mới
Việc đảng cực hữu Bình minh Vàng với xu hướng phát xít mới và bài ngoại, dù không giành chiến thắng, vươn lên chiếm tỷ lệ bầu chọn lớn thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử lần này cũng cho thấy nhiều bất ổn tiềm ẩn với xã hội và chính trường Hy Lạp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khủng hoảng di cư đe dọa châu Âu mà Hy Lạp là một trong những quốc gia cửa ngõ khu vực này, Thủ tướng Tsipras có thêm lý do để đau đầu bên cạnh những vấn đề về cải cách kinh tế và nợ nần.
Tin vui duy nhất có lẽ là với sự tái đắc cử của đảng Syriza, tiến trình giải ngân gói cứu trợ song song với việc ban hành các chính sách cải cách sẽ không bị gián đoạn, điều mà bất kỳ đảng nào khác lên nắm quyền sẽ không đảm bảo được. Chính quyền sẽ tiếp tục thuyết phục xóa nợ và giảm sự hà khắc của các chính sách kham khổ. Tuy nhiên điều này sẽ gặp trở ngại trong bối cảnh các chủ nợ châu Âu vẫn chưa quên được cảm giác bị qua mặt kể từ khi Thủ tướng Tsipras kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7 vừa qua, nhằm có thêm “vũ khí” trên bàn đàm phán.
Theo đó, thách thức kép đang chờ Thủ tướng Tsipras khi ông vừa phải tiến hành những cải cách kinh tế cấp thiết để khôi phục niềm tin của các chủ nợ châu Âu, mở cửa cho khoản giải ngân mới; đồng thời xoa dịu những phẫn nộ của người dân để ngăn ngừa nguy cơ nuôi dưỡng những bất ổn mới chớm trong xã hội và chính trường.
Ông Alexis Tsipras đối diện với nhiều thách thức sau khi tái đắc cử.
|