Thực ra trước khi hàng ngàn người biểu tình chiếm đóng tòa nhà trung tâm tài chính ở Hongkong rạng sáng 28/9, các cuộc biểu tình nhỏ lẻ đã diễn ra nhằm phản đối quyết định về bầu cử Người đứng đầu Đặc khu hành chính Hongkong của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 31/8. Tuy nhiên, cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến ít nhất 29 người bị thương tại trung tâm hành chính Hongkong đã làm tình hình trở nên căng thẳng, nhiều khu vực quan trọng gần trụ sở chính quyền Hongkong đã bị tê liệt do người biểu tình phong tỏa. Trong bối cảnh hoạt động biểu tình có xu hướng lan rộng sang các địa điểm mới, người đứng đầu Đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh đã nhiều lần kêu gọi người dân bình tĩnh, không tin vào những tin đồn thất thiệt, suy nghĩ đến lợi ích của toàn xã hội, sớm giải tán biểu tình để đảm bảo trật tự trị an. Phong trào biểu tình đòi quyền bầu cử tại Hongkong đang trở thành một trong những thách thức chính trị lớn nhất của chính quyền Trung Quốc trong vòng nhiều năm qua. Văn phòng công tác Hongkong và Ma Cao trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Văn phòng liên lạc của Chính phủ T.Ư Trung Quốc đặt tại Đặc khu hành chính Hongkong đã lần lượt ra thông cáo phản đối hoạt động nói trên, và cho rằng đây là hoạt động phi pháp, đồng thời bày tỏ ủng hộ chính quyền Đặc khu duy trì trật tự xã hội theo pháp luật. Tuy nhiên, các tuyên bố này khó lòng ngăn chặn được sự leo thang của các cuộc biểu tình, nhất là trong dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10 khi người dân Ma Cao cho biết sẽ thực hiện các cuộc biểu tình tương tự nhằm phản đối việc chính quyền T.Ư hạn chế quyền bầu cử. Không những thế, việc chỉ số Hang Seng của Hongkong tiếp tục lao dốc, tiềm ẩn nguy cơ về một làn sóng bán tháo lớn trong những ngày tới là điều mà Bắc Kinh cần phải lưu ý để đưa ra đối sách phù hợp.